Sớm đạt kết quả rõ nét

Tổ công tác Đề án 06/CP của tỉnh Hà Giang vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến 3 cấp, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. 

Hội nghị đánh giá, năm 2023, công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; nhận thức, hành động của các cấp, ngành và nhân dân chuyển biến tích cực; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Các nhiệm vụ Đề án 06 thuộc trách nhiệm của địa phương cơ bản được thực hiện kịp thời và đạt được kết quả quan trọng. Đã triển khai thực hiện 17/17 nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 434, ngày 24.1.2023 của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ; trong đó, 8 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8 nhiệm vụ duy trì thực hiện thường xuyên, 1 nhiệm vụ đang triển khai. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 96,9%, trong đó tỷ lệ dịch vụ công toàn trình đạt 88,6%. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu tăng cao, đạt 82,6%, tăng 64,8% so với năm 2022.

Có thể nói, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) là một trong những "điểm sáng" trong nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang. Sau 2 năm triển khai, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”, giúp tiết kiệm thời gian, công sức.

Ngay sau khi Quyết định số 06 ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành, UBND tỉnh Hà Giang đã khẩn trương ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện. Đồng thời, giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Tổ chức phát động các đợt thi đua, các đợt cao điểm phấn đấu thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06. Trên cơ sở đó, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 giao cho địa phương.

Để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đã đề ra, tỉnh Hà Giang đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp để triển khai thực hiện quyết liệt. Qua 2 năm triển khai, trong 17 nhiệm vụ Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ giao, tỉnh đã hoàn thành 08 nhiệm vụ; 08 nhiệm vụ đã triển khai và đang duy trì thực hiện thường xuyên; 01 nhiệm vụ đang triển khai.

Nổi bật đến thời điểm ngày 03/12/2023, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.818/1.876 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 96,9%. Trong đó có 665 dịch vụ công toàn trình, đạt tỷ lệ 88,6% theo chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023. Trong 02 năm 2022 - 2023, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 198.975/ 355.605 hồ sơ, đạt tỷ lệ 56%; tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết đối với 25 dịch vụ công thiết yếu là 564.198 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 274.292 hồ sơ, đạt 49%; riêng năm 2023 đạt 82,6%, tăng 64,8%.

Ngày 13/6/2023, tỉnh Hà Giang được Bộ Công an ghi nhận đã về đích hoàn thành chỉ tiêu cấp Căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh, sớm hơn 48 ngày so với mốc thời gian quy định. Kết thúc đợt cao điểm về đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ngày 30/6/2023), tỉnh Hà Giang thực hiện vượt chỉ tiêu về thu nhận định danh điện tử, với 484.526/ 318.910 tài khoản, đạt 152% chỉ tiêu giao; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 83,7%, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh đã thu nhận, đăng ký 601.919 tài khoản/318.910 chỉ tiêu giao, đạt tỷ lệ 188,7%; kích hoạt 399.099 tài khoản/318.910 chỉ tiêu giao, đạt tỷ lệ 125,1%, đứng thứ 15 toàn quốc.

Nhiều ứng dụng của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như trang bị thiết bị quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân, ứng dụng VneID cho 100% cơ sở khám chữa bệnh; thí điểm phương án chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội tại 04 xã với 911/1.109 người tham gia; triển khai thanh toán học phí và các khoản thu khác không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục; thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí; triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử toàn tỉnh, mô hình thông báo lưu trú trên ứng dụng VNEID tại bệnh viện Đa khoa tỉnh; thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID, phần mềm ASM.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Với những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu rõ, kết quả triển khai Đề án 06 đến nay mới chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải làm; mặc dù nhiệm vụ ngày càng khó khăn và thách thức nhưng nếu nỗ lực phấn đấu sẽ là cơ hội lớn để phát triển KT – XH, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch khác.

Do đó, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, cùng với lực lượng Công an cần quyết tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ Đề án 06. Các sở, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện; phân công, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu, lộ trình, thời gian cụ thể cho các đơn vị cấp dưới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” cho cấp cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của các bộ, ngành, của tỉnh về triển khai Đề án 06. Duy trì, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng đầu năm “đủng đỉnh”, cuối năm gấp gáp; xác định đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại thi đua năm của các tập thể, cá nhân, người đứng đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên nắm, theo dõi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn hạn chế, chậm tiến độ; đánh giá, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay; chú trọng học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương làm tốt. Quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là về công nghệ thông tin, chuyên môn nghiệp vụ; kết hợp, áp dụng song song giữa các hình thức tập huấn trực tiếp và trực tuyến, đào tạo từ xa cho nguồn nhân lực thực hiện Đề án 06 đảm bảo hiệu quả, linh hoạt, thiết thực, phù hợp với nội dung, điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp về Đề án 06, dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền về các tiện ích trên ứng dụng VneID. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024 để tập trung phối hợp, theo dõi, đôn đốc và thực hiện nghiêm túc; phấn đấu năm 2024, Đề án 06 tỉnh Hà Giang đạt nhiều thành công để mang đến nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT – XH và chuyển đổi số tại địa phương.

Minh Yến