Sáng nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tại buổi tiếp xúc, ý kiến của các cán bộ công đoàn cơ sở các công ty đóng trên địa bàn TP.HCM cho hay hầu hết người lao động đều chọn phương án 1, và mong muốn được rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

daibieu 3.jpg
Các ĐBQH TP.HCM trao đổi với các cử tri bên hành lang buổi tiếp xúc. Ảnh: Hồ Văn

Ông Kim Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) - cho biết tại công ty có rất ít lao động trên 50 tuổi. Sau độ tuổi đó, người lao động chuyển đi làm việc khác hay về quê sinh sống vì khó đủ sức khỏe làm việc.

Theo ông Cường, trên thực tế, nhiều người lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng - do cách tính tiền lương hưu hiện nay là bình quân cả quá trình đóng BHXH nên rất thấp, không đủ sống. Bên cạnh đó, đa số người lao động từ các miền quê lên TP.HCM làm việc. Những người này xem BHXH như là tiền tiết kiệm. Vì thế, họ thường tính toán để nhận BHXH một lần, do phải chờ đợi quá lâu mới đủ tuổi để nghỉ hưu.

cuong 2.jpg
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Hồ Văn

“Nhiều người muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần còn vì lo lắng không biết khi Dự thảo Luật BHXH lần này được thông qua, quyền lợi của họ sẽ thế nào” - ông Cường nêu thực trạng.

Ông Phạm Phúc Tiến - Phó chủ tịch Công đoàn công ty Liên Á - thì cho hay sau khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông tin, đa số công nhân “cầu cứu” cán bộ công đoàn, đề nghị giúp họ làm thủ tục để rút BHXH một lần.

“Hầu hết người lao động bày tỏ mong muốn được rút BHXH một lần, vì thời gian chờ hưởng lương hưu quá dài” - ông Tiến cho hay.

tiến 2.jpg
Ông Phạm Phúc Tiến phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Hồ Văn

Trong khi đó, ông Trần Thanh Sơn - Chủ tịch CĐ Công ty May mặc Song Ngọc - cho biết ở công ty của ông, số người có dưới 15 năm đóng BHXH xin nghỉ việc rất nhiều. Lý do là lo ngại sự thay đổi của luật sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi.

Ông Sơn cũng cho rằng cách tính lương hưu cho người lao động bằng bình quân cả quá trình đóng BHXH hiện nay đang có nhiều bất cập, do những năm đầu đóng BHXH với tiền lương thấp.

“Bản thân tôi muốn bỏ quá trình đóng BHXH 10 năm khi tham gia quân đội để có lương hưu cao hơn nhưng không bỏ được” - ông Sơn chia sẻ.

Đề xuất lương hưu bằng lương tối thiểu vùng

Trước đó, ngày 9/5, Công đoàn viên chức TP.HCM đã tổ chức chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề: “Bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp và người lao động”, nhằm trao đổi về thực trạng công tác BHXH tại các đơn vị và góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2023.

Tại buổi đối thoại, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam - cho biết khi lao động đến độ tuổi 45-47, doanh nghiệp tìm mọi cách cho nghỉ việc và tuyển lao động trẻ, để vừa trả lương thấp hơn vừa có năng suất lao động cao hơn.

"Lương tối thiểu là 4,68 triệu đồng/tháng nhưng lương hưu người lao động nhận về sau 20 năm làm việc, cống hiến chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Lực lượng lao động ở độ tuổi 45-47 bị sa thải khỏi doanh nghiệp thì ai sẽ thuê họ làm việc tiếp cho tới tuổi nghỉ hưu? Nếu vừa giảm thời gian đóng BHXH vừa tăng tuổi nghỉ hưu, chắc chắn người lao động sẽ rút BHXH một lần” - ông Hồng nêu ý kiến.

Theo ông Hồng, cần có quy định về lương tối thiểu cho lương hưu.

yen 2.jpg
Bà Phạm Thị Hồng Yến cho rằng nếu lương hưu bằng lương tối thiểu vùng thì sẽ không có ai muốn rút BHXH một lần. Ảnh: Hồ Văn

Còn bà Phạm Thị Hồng Yến - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Việt Nam - cho rằng lương hưu tối thiểu là để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu muốn duy trì và khuyến khích lao động tham gia BHXH thì đây là thời điểm cần xem xét lại.

"Nếu mức lương nhận được khi về hưu bằng mức lương tối thiểu vùng thì sẽ không có ai muốn rút BHXH một lần. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lương hưu chỉ nhận được từ 2-3 triệu đồng. Đó là lý do nhiều người muốn rút BHXH một lần, vì với số tiền nhận được, họ còn có thể kinh doanh, buôn bán nhỏ để sinh sống…

Lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu, chúng ta trả thấp hơn mức đó thì làm sao người lao động an tâm để trông chờ vào việc nhận lương hưu” -  bà Yến bày tỏ quan điểm.

Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội 2 phương án rút Bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Cụ thể: Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu. Nhóm 2, với người lao động bắt đầu tham gia vào BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, không được nhận BHXH một lần. Chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.

Phương án 2, người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.