Em Hoài Linh (Hà Nội) thắc mắc: Nếu chọn ngành học Quản trị kinh doanh có rộng quá không? Sau này ra trường, chúng em làm gì và liệu học ngành này có bị thất nghiệp? Một số em cũng bày tỏ băn khoăn: Có nên học sâu về Quản trị nhân sự, Quản trị marketing, Tài chính - Ngân hàng...?

Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho hay: “Các em có lo lắng nếu chọn một ngành rất rộng sẽ mông lung trong “biển” lĩnh vực đó không? Các em không đi sâu vào một cái gì, sợ rằng sau này không biết làm gì. Ngược lại, chọn một ngành mà cái tên của nó rất hẹp, khi ra trường, nếu những diễn biến về nhân sự, bối cảnh kinh doanh, bối cảnh xã hội có những thay đổi, khả năng ứng biến của em sẽ ra sao?".

W-w-vu-thi-hien-1-640-1.jpg
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Thanh Hùng

Bà Hiền đưa lời khuyên, trong trường hợp này, phụ huynh và thí sinh- những người đi mua dịch vụ giáo dục đại học, phải là “người tiêu dùng thông minh”.

“Để chọn mua dịch vụ, chúng ta phải xem dịch vụ đó như thế nào. Chúng ta hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, cách ngôi trường đó giảng dạy để quyết định. Đối với một trường đại học, khi xây chương trình đào tạo, đều tiếp cận ở cả 2 góc độ: độ rộng và độ hẹp. Nếu phụ huynh, thí sinh xem chương trình đào tạo thấy đáp ứng được cả hai yếu tố này nên chọn, dù tên ngành đó có thể “hẹp” hoặc “rộng”", bà Hiền nói.

Bà Hiền cho biết thêm, dù học ngành “rộng” nay ngành “hẹp”, cơ hội học lên các mức cao hơn như thạc sĩ... đều luôn rộng mở.

Trước câu hỏi của thí sinh về việc nên chọn ngành nào hot, bà Hiền cho hay: “Việc chọn ngành, chọn nghề, liên quan đến cả một tương lai rất dài. Lời khuyên là nên cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành.

Ví dụ, học Kinh tế nhưng các em có thể học thêm Luật, hay Khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng tích lũy một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai.

Thậm chí, điều đó còn giúp các em có năng lực vượt trội hơn trong tương lai. Do vậy, “ngành hot” cũng phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm hot là không khó khăn”. 

W-nguyen-tien-thao-1.jpg
GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Trước những phân vân của thí sinh nên chọn ngành nghề thích hợp với bản thân hay ngành nghề xã hội có nhu cầu, GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyên: "Nếu các em xác định muốn có một công việc để làm sau khi ra trường, để tồn tại có thể chọn những ngành xã hội đang cần để theo đuổi và phát triển.

Nhưng nếu chọn ngành nghề mình yêu thích, đó sẽ là điều để các em đam mê, sáng tạo và phát triển. Sự lựa chọn nằm trong tay các em. Tuy nhiên, những ngành xã hội cần, cơ hội việc làm có thể ở thời điểm này đang rất cao nhưng thời điểm khác lại khác. Xét về lâu dài, những ngành bạn theo đuổi vì sở thích, đam mê luôn tạo động lực cho bạn phát triển.  

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, khuyên thí sinh cũng đừng nên thấy ngành nào hiện nay đang hot, đang có nhu cầu mà thi nhau vào. “Ngành học hot, nhưng bản thân mình có “hot” hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ các em đừng nên chạy theo ngành hot vội, trước khi chọn ngành nghề, cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành có phát triển hay không? Học phí ngành có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình?”, ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, ngành hot bây giờ chưa chắc còn hot trong 5 năm nữa. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc.

W-nguyen-thu-thuy-1.jpg
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cho hay: “Việc học đại học hiện nay cũng hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực cho người học một nền tảng rộng”.

Theo bà Thủy, không phải sau 4 năm đại học là dừng lại, các bạn trẻ phải tiếp tục học và cập nhật với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội. Việc học đại học hay cao đẳng cũng chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất cho các em những phương pháp để đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp.