Nhân tài bán dẫn muốn gì?

“Tôi đã lấy bằng Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Grenoble - Pháp, làm việc 5 năm tại một trung tâm được gọi là Thung lũng Silicon của Châu Âu – Minatec, sau đó quay trở về làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2009, tôi liên hệ trực tiếp với Công ty Synopsys để được hỗ trợ một số công cụ thiết kế vi mạch cho trường mình. Chúng tôi xác định trước tiên phải cố gắng tạo ra một môi trường tốt cho việc học tập và nghiên cứu, sau đó mới có thể có thêm nhiều giáo sư, giảng viên và sinh viên giỏi cùng về làm việc. Điều nhân tài cần trước tiên là môi trường, đầu tiên chúng ta phải tạo môi trường tốt cho nhân tài”, ông Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh tại Thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chuẩn quốc tế cho thị trường Việt Nam và thế giới” do Trường Đại học Phenikaa tổ chức tại Hà Nội.

Nhan luc ban dan.jpg
Thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chuẩn quốc tế cho thị trường Việt Nam và thế giới” do Trường Đại học Phenikaa tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế (Ảnh: Phenikaa).

“Chúng tôi hợp tác với các công ty nước ngoài và cả một số công ty FDI như Renesas, Toshiba…, có những công trình nghiên cứu để mang lại kinh phí cho các phòng thí nghiệm. Sau đó chúng tôi sử dụng quỹ để cấp học bổng cho sinh viên. Hàng năm, chúng tôi có khoảng 30 hoặc 40 sinh viên học tập trong phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch. Hầu hết các sinh viên ra nước ngoài làm việc với các công ty thiết kế vi mạch hoặc làm việc trong các công ty thiết kế vi mạch FDI tại Việt Nam. Nhiều sinh viên tốt nghiệp làm việc cho công ty Dolphin hoặc Intel, Schwatztech... Đặc biệt, có 2 sinh viên trở thành giáo sư ở Nhật Bản và ở Pháp về lĩnh vực thiết kế vi mạch”, ông Tú chia sẻ một trong những kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài bán dẫn tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từng có khoảng 20 năm tham gia Hội đồng quản trị Mediatek - công ty thiết kế vi mạch số một thế giới với rất nhiều sản phẩm dành cho công nghệ di động, ông Ming-Je Tang, Hiệu trưởng Đại học Chang Gung (Đài Loan – Trung Quốc) lưu ý: Công nghiệp bán dẫn nói chung là một ngành công nghiệp nặng, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Còn thiết kế vi mạch là ngành công nghiệp nhẹ, không cần nhiều vốn nhưng cần nhiều nhân tài. Muốn thu hút nhân tài chất lượng cao thì phải cung cấp cho họ nhiều ưu đãi. 

“Ưu đãi tốt nhất là cổ phiếu. Thông thường, tại Đài Loan (Trung Quốc), công ty thiết kế vi mạch sẽ chia cho nhân viên 20% tổng lợi nhuận để khuyến khích thu hút nhân viên; không trao tiền mặt mà sẽ đưa ra cổ phiếu dựa trên giá trị từng nhân viên mang lại. Tôi cho rằng đó là “chìa khóa” để mở ra “cánh cửa” thu hút những nhân tài chất lượng cao tham gia ngành bán dẫn ở Đài Loan”, ông Ming-Je Tang dẫn kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo.

Năm 2022, số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch ở Đài Loan khoảng 50.000 – 53.000 người, nhưng tổng doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ của các công ty thiết kế vi mạch lên tới 40 tỷ USD. Con số đáng mơ ước đối với rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Cơ sở đào tạo cần sớm liên kết với doanh nghiệp 

“Với 20 năm kinh nghiệm về thiết kế vi mạch và những thứ tương tự ở Việt Nam, mặc dù chặng đường có lên bổng xuống trầm nhưng chúng tôi luôn nhận được hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và từ các tập đoàn lớn để thu hút nhân tài. Cách đây 20 năm, tôi là một trong số rất ít sinh viên kỹ thuật làm luận án thiết kế vi mạch tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng hiện tại, mọi người đã thực sự biết nhiều hơn về vi mạch và hiểu tầm quan trọng của vi mạch. Hy vọng chúng ta sẽ có nhiều nguồn nhân lực hơn trong lĩnh vực này”, ông Harry Trịnh, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam bày tỏ.

Hoạt động trong chuyên ngành tín hiệu tương tự và số, Qorvo Việt Nam không chỉ làm riêng giai đoạn thiết kế trong sản xuất mà thực hiện toàn bộ chuỗi để tạo ra sản phẩm và bán sản phẩm. Từ khoảng 110 người hiện có, Qorvo Việt Nam lên kế hoạch tăng trưởng đội ngũ ở Việt Nam khoảng 30 đến 35% trong năm nay. 

“Điều này không hề dễ dàng. Chúng ta có thể nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân sự hiện có, nhưng ngành bán dẫn cần nhiều vị trí khác nhau, một số vị trí yêu cầu đào tạo lâu hơn. Vì vậy, chúng tôi thực sự cần phải hợp tác sớm hơn một chút với trường đại học để cung cấp cho sinh viên tầm nhìn về cách tiếp cận phương pháp phù hợp. Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần sớm liên kết với nhau. Chúng ta có thể rút ngắn lộ trình học tập”, ông Trịnh đề xuất. 

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghiệp Hà Nội để xây dựng chương trình đào tạo, vì thực tế những gì chúng tôi làm gần như là tiêu chuẩn toàn diện về thiết kế vi mạch. Chúng tôi có thể chia sẻ kiến ​​thức, kinh nghiệm với các trường đại học, cùng nhau đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp giá trị cho chuỗi cung ứng toàn cầu”, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam tự tin về hướng hợp tác phát triển khả thi, đem lại hiệu quả cao.

Nhan luc ban dan 2.jpg
Việt Nam đang xem xét vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn một cách nghiêm túc (Ảnh minh họa. Nguồn: Phenikaa).

Một tin vui đối với hoạt động đào tạo nhân lực bán dẫn tại Việt Nam: Tháng 2 vừa qua, Quỹ ITSI của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, thông qua Đại học Bang Arizona (ASU) sẽ cam kết hỗ trợ hàng chục triệu USD cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

"ITSI là từ viết tắt của Công nghệ quốc tế, An ninh và Đổi mới. Quỹ này là một sáng kiến ​​quan trọng theo Đạo luật CHIPS được Tổng thống Biden ký năm 2022. Mục tiêu của quỹ là đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, tăng cường an ninh và thúc đẩy đổi mới. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - Cục Kinh tế và Kinh doanh đã trao cho ASU thỏa thuận hợp tác trị giá 13,8 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ các nước đối tác tăng cường và mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn. Quỹ ITSI liên quan đến sự hợp tác chiến lược với 6 quốc gia đối tác ở Châu Mỹ và khu vực Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là tâm điểm của dự án. Chúng tôi có danh mục các chương trình đạo tạo bậc đại học và sau đại học về chất bán dẫn, có các thiết bị điện tử vi mô, sản xuất và xử lý chất bán dẫn. Chúng tôi đang có kế hoạch sử dụng những nguồn lực đó để chia sẻ với các đối tác”, ông Thái Trần, Quản lý Kiểm định chương trình và đảm bảo chất lượng, Văn phòng Quốc gia Việt Nam ASU thông tin cụ thể.

Nhằm thiết lập mạng lưới thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, ASU dự định tổ chức sự kiện khởi động ở mỗi quốc gia đối tác; cùng với đó là các hội thảo nâng cao năng lực kỹ thuật, và xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến để nâng cao năng lực cho các nhà giáo dục và các chuyên gia có kỹ năng phù hợp với ngành bán dẫn.

Tham vọng của Việt Nam

Với góc nhìn của “người ngoài cuộc”, ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys đánh giá cao Việt Nam đang xem xét vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn một cách nghiêm túc. 

“Mọi người đều nhìn thấy cơ hội. Nhưng để nắm bắt được cơ hội, cần có vốn, cần có nhân tài, và cần có chính sách của chính phủ. Đây là “ba trong một” để biến mọi việc thành hiện thực. Chính phủ cần có chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng cần phải có sự chuẩn bị”, Phó Chủ tịch Synopsys nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm nhấn chính trong Chiến lược Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 là tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo và năng suất. 

“Chúng tôi cố gắng thiết lập một hệ sinh thái với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các trường đại học với các dây chuyền thí điểm và nhiều dự án mẫu, để có thể đóng góp vào các dịch vụ thiết kế vi mạch cũng như các hoạt động đóng gói và thử nghiệm. Đó là những mục tiêu khá tham vọng”, ông Nghĩa nói.

Bàn về việc Việt Nam muốn làm mọi thứ từ thiết kế vi mạch đến đóng gói, thử nghiệm và có thể cả chế tạo trong tương lai gần, Hiệu trưởng Đại học Chang Gung khuyến nghị: “Hệ sinh thái có vai trò quan trọng. Cần có thiết kế vi mạch, cần xưởng đúc, cần tìm ra sản phẩm... Đó là một chuỗi giá trị rất dài. Việt Nam có thể mất 20 để xây dựng chuỗi giá trị. Vì vậy hãy kiên nhẫn”. 

“Khi người ta thiết kế mạch tích hợp (viết tắt là IC), có câu nói đùa rằng IC là India (Ấn Độ) và China (Trung Quốc). Còn nói về mạch tích hợp quy mô rất lớn (viết tắt VLIC), tôi nghĩ bây giờ phải đổi cụm từ này thành Vietnam (Việt Nam), India (Ấn Độ) và China (Trung Quốc)”, ông Ming-Je Tang vui vẻ truyền cảm hứng lạc quan về sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam.