Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông (trạm Kratie - Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần. Theo dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu.

Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ (Tiền Giang), sông Cái Lớn (Kiên Giang) vào tháng 3, 4, 5 năm 2024.

xam nhap man-hoaithanh.png
Hạn mặn xâm nhập khiến người nông dân ở miền Tây Nam bộ lao đao.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, thời gian tới tập trung 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo đó, các địa phương chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của Nhân dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt cho Nhân dân. 

Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay, cần tính đến các giải pháp dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, coi hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính thường xuyên của vùng để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện nguồn nước. Cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước phía thượng nguồn sông Mê Kông để chủ động hơn nữa trong công tác dự báo và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Đối với các dự án đang được đầu tư, xây dựng có mục tiêu phòng, chống hạn hạn, xâm nhập mặn, cần đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ngay trong mùa khô 2023 - 2024. 

Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động có các giải pháp tích trữ nước, đặc biệt tích trữ nước hộ gia đình, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện hạn hán, thiếu nước.

Các địa phương cần quán triệt ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời vụ gieo trồng, sử dụng giống phù hợp, áp dụng các biện pháp; canh tác hiệu quả, phù hợp với diễn biến nguồn nước; chủ động dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn để người dân chủ động trong việc lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các đơn vị liên quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước; hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, giúp người dân ứng phó hiệu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Minh An