Nhiều phụ huynh cho biết họ không muốn cho con học trước tuổi, vì một năm sớm hơn đó cũng là một năm tuổi thơ của con bị mất đi.

Ngày xưa đi học sớm nhàn tênh, còn bây giờ thì…

Chị Thu Hà, một “sản phẩm” của đi học trước tuổi tại Hà Nội, cho biết vì sinh đầu năm nên bố mẹ cho chị đi học cùng các bạn sinh năm trước. “Nhưng ngày xưa đi đâu học có vất vả như bây giờ. 5 tuổi tôi đã đọc báo trôi chảy rồi, nên đi học hoàn toàn hòa nhập được với các bạn. Lúc đó không quy định chặt chẽ như bây giờ nên tôi đi học thôi” – chị Hà kể.

Theo chị Hà, hiện tại dù có con sinh đầu năm, nhưng chị lại cho đi học đúng tuổi, dù cháu có hơi "già" so với các bạn. “Nếu học như ngày xưa thì tôi sẵn sàng cho con đi học sớm. Nhưng bây giờ các con có quá nhiều thứ để học và tiếp cận, nên không cần đi học sớm làm gì”.

{keywords}

Dù con có tố chất vượt trội, nhưng nhiều phụ huynh không cho học trước tuổi (Ảnh:Đinh Quang Tuấn)

Cũng từng đi học trước tuổi, chị Hoài Thanh ở Hà Nội chia sẻ nguyên nhân là do điều kiện công tác của bố mẹ - vì không có người trông nên mẹ cho đi học sớm.

“May là tôi cũng thông minh nên học không đến nỗi, vẫn học giỏi và mỗi năm một lớp. Nhưng nhiều lúc nhìn bạn bằng tuổi mình như đàn em, tôi thấy mình già dặn quá. Năm lớp 1 cứ khóc mãi vì sao các bạn ở nhà chơi mà mình phải đi học... Hoặc khi chơi với các bạn cùng lớp mình như bị non nớt hơn, rồi trưởng thành khi họp lớp các bạn nói chúng mình đồng niên, tự dưng mình nghĩ mình có đồng niên đâu nhỉ. Thế là tự nhiên nhận ra mình thiệt thòi vì mất một năm tuổi thơ”.

Hiện tại chị Thanh có con chị sinh tháng 12, trong khi 3 bạn thân của con sinh tháng 1, tháng 2, chị đã thấy con có phần “non” hơn các bạn. Ban đầu chị từng có ý định cho con học lùi lại một năm, nhưng suy nghĩ lại con nên được học đúng độ tuổi và quy định của Bộ GD-ĐT.

“Chính từ kinh nghiệm của mình mà mình thấy cách giáo dục sớm cho các con là tốt nhưng không hẳn đứa trẻ nào cũng tiến bộ vượt bậc, mà phải cho con lớn theo đúng quy luật”.

Vì có con sinh cuối năm nên chị Thanh ủng hộ cách tính tuổi đi học của con theo mốc 1/9 như một vài trường quốc tế. 

“Đúng là bây giờ trẻ con rất thông minh, nhưng như một người thầy của mình đã nói “cho con nhảy qua mấy bậc thềm, khi quay lại con sẽ không biết mình đã đi qua như thế nào”, nên cứ theo đúng độ tuổi con được đi học, để không đánh mất của con năm tháng con đáng được đi qua”.

Vượt trội cũng không hơn người khác

Trước ý định cho con đi học trước tuổi của một số phụ huynh, chị Phạm Loan – một bà mẹ ở Hà Nội tin rằng nhiều bé có khả năng vượt trội so với các bạn cùng trang lứa do được chú trọng giáo dục sớm. 

"Nhưng kiến thức là mênh mông vô bờ, bản thân người mẹ theo giáo dục sớm sẽ hiểu rõ nhất rằng cần phát huy tố chất và con người của con bạn, nhưng không nhất thiết trong môi trường giáo dục chính thống” - chị Loan nêu quan điểm.

{keywords}

Không nên cho trẻ đi học sớm để tránh nguy cơ bị khuôn mẫu, hạn chế sự sáng tạo? (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

"Tôi nghĩ nếu phụ huynh nào có con vượt trội có thể cho con học chương trình nước ngoài hay học online. Khi đó con có thể học theo trình độ lớp 2,3,4 gì tùy thích. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể phát huy khả năng học tập của con trong nhiều lĩnh vực như đưa con đi chơi, hòa nhập thiên nhiên, kiểm chứng kiến thức lĩnh hội trong sách vở” – chị Loan nói.

Chị Loan cho biết, con chị sinh tháng 12/2012, mới 2 tuổi đã biết đọc, nhưng khi con gần 4 tuổi, chị đã cho ở nhà một năm chỉ để chơi những trò mà con thích thú, đọc sách, đi xe đạp…

Nhiều phụ huynh cho biết, họ không đồng ý cho con đi học sớm dù có tố chất đi chăng nữa.

“Tôi không có ý định cho con tôi học sớm. Quan điểm của tôi là tìm trường nào học nhẹ nhàng chứ không ép con học nhiều để áp lực”- chị Lan Phương, một phụ huynh có con 4 tuổi ở TP.HCM nói.

Tương tự, anh Quang Phùng hiện có hai bé 3 tuổi và 6 tuổi ở Quận 2, TP.HCM cũng nói rằng “Tôi không khuyến khích cho con học sớm dù con có tố chất vượt trội đi chăng nữa. Thay vì phải đến trường, có thể cho các bé tới các lớp năng khiếu như vẽ, nhạc....”.

Theo anh Phùng, trẻ biết đọc biết viết sớm là tốt, nhưng không thể vì thế mà gọi là vượt trội. 

“Tôi nghĩ rất khó khi xác định điều này. Cách đây mấy năm, khu tôi ở có một bé 5 tuổi đọc báo vanh vách, xem ti vi bé cũng đọc phụ đề tốt. Lúc đó có rất nhiều người chú ý, khuyên gia đình nên cho bé đi học lớp 1. Nhưng bây giờ bé cũng không thể hiện hơn các bé cùng tuổi” – anh Phùng kể.

Cho con đi học sớm có công bằng với con?

Một chuyên gia tâm lý tại TP.HCM cho rằng phụ huynh không nên theo xu hướng cho con học sớm vì không giải quyết được gì cả, mà nên theo xu hướng cho con học trễ hơn để trẻ em có sự chuẩn bị về sức khỏe, sinh lý, và tâm lý. Lúc đó, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đi học.

{keywords}

Thay vì học sớm kiến thức hãy cho con tham gia các lớp kỹ năng (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

“Ở đây, ta cần xác định rõ trẻ học sớm ở lứa tuổi tiểu học hay trung học. Nếu ở lứa tuổi tiểu học, các em học sớm thì sẽ mất đi sự tự nhiên trong việc tiếp thu kiến thức, trừ một số thần đồng. Và với cách giáo dục hiện nay thì đi học sớm sẽ làm các em bị ảnh hưởng bởi sự khuôn mẫu, hạn chế sự sáng tạo” - chuyên gia này nhận định.

Ngay việc cho đi học sớm ở nhà trước khi đến lớp cũng làm khó các em. Một số em được học trước nên khi đến lớp sẽ không tập trung vào học vì "đã biết rồi". Và thói quen lơ đãng khi ngồi trên lớp học rất nguy hại khi các em học lớp lớn hơn.

Còn TS. Tâm lý học Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho biết ông không ủng hộ việc cho trẻ đi học sớm. 

"Thường thì quy định tuổi vào học lớp 1 được đưa ra trên thế giới là khá tương đương nhau dựa trên các bằng chứng nghiên cứu về tâm lý giáo dục. Ví dụ như phải đến độ tuổi nào bộ não phát triển tương đối toàn diện, trẻ đã có khả năng tư duy hình thức, vùng trán trước phát triển đầy đủ khiến trẻ có khả năng ức chế, kiểm soát các hành động bột phát để trẻ có thể tập trung, hiểu và làm theo chỉ dẫn trong khoảng thời gian của từng tiết học”.

“Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng bên cạnh phát triển về mặt nhận thức, trẻ còn có phát triển thế chất, xã hội, cảm xúc, ngôn ngữ nữa. Nếu chỉ căn cứ vào việc tính toán, nhận biết mặt chữ của con đã tốt ngang trình độ lớp 1 để bắt con đi học là những nhận định phiến diện. Và trẻ có thể tự dán nhãn bản thân mình là người yếu kém về các mặt còn lại, trở nên tự ti về bản thân mặc dầu trên thực tế không phải cháu không có năng lực mà là vì cháu đi học sớm”.

TS. Nam cũng đưa quan điểm trên góc độ quyền trẻ em: “Tôi nghĩ rằng các em có quyền được đối xử bình đẳng, có quyền được chơi. Việc cha mẹ một cách có chủ đích hay vô tình dạy trước kiến thức cho con để con biết chữ, biết số, biết tính toán trước khi vào lớp 1 cũng là một hành động tước đi quyền được chơi của các em”.

“Phụ huynh cũng đừng đánh đồng việc cho đi học sớm và các hoạt động giáo dục sớm là một. Việc quan tâm giáo dục sớm cho các em thông qua các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, thực hành sáng tạo trong môi trường tự nhiên xã hội là việc nên làm. Những hoạt động giáo dục sớm được tổ chức phù hợp sẽ giúp các em hình thành nên kiến thức kinh nghiệm xã hội, phát triển thể chất vận động, năng lực ngôn ngữ, trí tuệ xúc cảm và qua đó nâng tầm năng lực tư duy nhận thức mà không cần thiết phải đưa con em đến trường lớp sớm” – TS. Nam nhận định.

“Tôi chỉ cho rằng nếu lý do thực tế là bố mẹ không có thời gian chăm con, cho con học vượt vì kỳ vọng thành tích hoặc sỹ diện của bố mẹ thì hoàn toàn không nên. Cha mẹ chắc không muốn chỉ đào tạo ra những vận động viên chạy 100 m trên con đường học hành - xuất phát nhanh và chỉ bùng nổ trong giai đoạn cấp 1, cấp 2. 

Chúng ta muốn đào tạo ra những vận động viên marathon trong cuộc đua học thuật. Họ thường bắt đầu chậm, giữ sức, vượt lên trong những giai đoạn quyết định và giành chiến thắng chung cuộc cho cả chặng đua dài” - ông Nam lưu ý.

Nguyễn Thảo - Lê Huyền