- Thảo luận tổ chiều nay (10/11) về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu cho rằng mức phạt tối đa lên đến 2 tỷ đồng là quá cao và không thấy phạt nặng là cách tối ưu.
Đôi khi phản tác dụng
Trong khi một số ĐB TP.HCM và Đà Nẵng ủng hộ tăng tiền
phạt để đảm bảo tính răn đe và cho rằng "người dân bây giờ sẵn sàng nộp phạt"
thì ĐB các tỉnh phần lớn cảm thấy mức phạt như dự kiến là quá cao, "nhiều trường
hợp nặng hơn cả xử lí hình sự".
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Bùi Văn Xuyền thấy luật quá thiên về biện pháp phạt nặng, có thể bị lợi dụng để trục lợi.
ĐB cùng đoàn Phạm Xuân Thường đồng tình, e rằng cơ chế trích phần trăm cho cơ quan xử phạt không giải quyết được gì. ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) còn lo cơ chế này dễ làm nảy sinh mâu thuẫn, không thống nhất trong quyết định xử phạt ở các địa phương khác nhau, thậm chí có thể bị hiểu sai.
Tăng mức tiền phạt
không phải lúc nào cũng hiệu quả. |
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình nhận định tăng mức phạt không phải lúc nào cũng hiệu quả, đôi khi phản tác dụng.
"Nhiều người vi phạm luật giao thông bị bắt nộp phạt rất cao thì mới được lấy lại phương tiện đã chấp nhận bỏ phương tiện để không phải nộp phạt. Nhà nước vừa không thu được tiền phạt, còn phải chi phí cho việc tạm giữ một lượng lớn phương tiện", bà Bình nêu ví dụ.
Bà Bình cũng thấy "không công bằng" khi những kẻ đua đòi đua xe, xuất thân gia đình có điều kiện, bị phạt nộp phạt bao nhiêu tiền, bao nhiêu lần cũng không hối hận, cứ tiếp tục vi phạm, ngược lại, những người nông dân một lần bị phạt, dù chỉ 200-300 nghìn đồng cũng là số tiền lớn với họ, sợ đến nỗi không dám lên thành phố nữa.
Bà còn chỉ ra thực tế có những địa phương không thu được đồng tiền phạt với các đối tượng gây rối trật tự công cộng, bạo hành gia đình... thường không công ăn việc làm, ăn bám gia đình... "Có nộp phạt thì cũng là tiền của gia đình, chứ họ chẳng phải lo gì", bà Bình kể.
Chính vì tình trạng không phạt tiền được mà phạt tiền cũng không có tác dụng răn đe đang phổ biến như vậy, bà ủng hộ hình thức phạt mới là buộc lao động công ích, quan trọng là cách thức tổ chức thực hiện. "Thực tế nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Ở ta, dù chưa có quy định chính thức nhưng không ít nơi đã vượt rào áp dụng trước".
Nhưng đây là điểm các ĐB khác lo ngại. Ông Bùi Văn Xuyền đồng ý rằng phạt lao động công ích có mặt tốt, có thể tác động tích cực đến tâm lý, nhận thức của người vi phạm, song băn khoăn về tính khả thi vì dự luật không quy định rõ hình thức, địa điểm, cơ quan tổ chức, cơ chế giám sát... cho việc này.
Sao không lắp thực tiễn vào luật?
Quy định mức phạt hành chính cao hơn ở các thành phố lớn đã được các ĐB cơ bản đồng tình. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Vũ Chí Thực chỉ ra nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có thể coi là một bước thử nghiệm có hiệu quả trên thực tế.
Ông Bùi Văn Xuyền chỉ băn khoăn về tính pháp chế chưa cao, chưa rõ vai trò quyết định mức phạt do Chính phủ hay HĐND, và còn nhiều điểm liên quan đến Luật Thủ đô sẽ được đưa ra bàn sắp tới. ĐB Phạm Xuân Thường thì không đồng ý áp dụng cho tất cả các thành phố trực thuộc trung ương mà chỉ cho hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều ĐB cho rằng lĩnh vực hành chính quá "mênh mông bể sở", muốn đưa vào luật cũng chưa chắc đưa hết, nên nâng lên tầm Bộ luật hoặc tách thành hai luật về xử phạt hành chính và xử lý vi phạm hành chính.
Nhưng ông Phạm Xuân Thường thấy vô lý khi dự luật đưa ra hoàn toàn là luật khung, luật ống.
"Đây đều là những lĩnh vực đang diễn ra hàng ngày ví dụ như giao thông, quản lý thị trường..., kinh nghiệm xử lý không phải ít, nghị định, thông tư ban hành cũng nhiều, sao không lấy những văn bản đã ban hành, đã thực hiện cho hiệu quả để lắp vào luật cho đầy đủ cụ thể?", ông Thường bày tỏ. "Làm luật thế này rồi lại tiếp tục ra nghị định, thông tư, chồng chéo, mâu thuẫn với những văn bản đã có".
Ông Thường thấy "văn bản luật tương tự ở Thái Lan dày cả gang tay nhưng tra đến mục nào là áp dụng được ngay".
Các ĐB sẽ tiếp tục thảo luận dự luật này tại hội trường ngày 18/11.
Chung Hoàng - Phương Loan