Hàng nghìn lao động nhất loạt đình công trên khắp Ai Cập hôm 9/2 càng tăng thêm sức ép lên chính phủ nước này trong bối cảnh làn sóng chống Tổng thống tiếp tục leo thang.

TIN LIÊN QUAN:

Chính phủ Ai Cập ra lịch trình chuyển giao quyền lực
Thực hư Tổng thống Ai Cập có 70 tỷ USD
Vòng lửa Ai Cập: Cuộc đấu tranh chưa được đặt tên
Toàn cảnh khủng hoảng Ai Cập
Dân Ai Cập quyết ép Tổng thống từ chức
Nhiều “đại gia” Ai Cập muốn rút tiền
Chính phủ Ai Cập và phe đối lập bàn cải cách
Ai Cập: Ban lãnh đạo đảng cầm quyền từ chức
Tổng thống Ai Cập họp khởi động lại nền kinh tế
Ai Cập: Mỹ bàn thời hậu Mubarak
Obama tăng sức ép với Tổng thống Ai Cập
9 lãnh đạo Ảrập lo lắng vì khủng hoảng Ai Cập
Mỹ, Ai Cập bàn bạc 'tống khứ' Tổng thống Mubarak



Những người biểu tình đòi Hosni Mubarak từ chức đã tràn ra khỏi Quảng trường Tahrir ở Cairo kể từ hôm 8/2, điểm tụ tập của họ trong suốt 2 tuần qua. Hôm qua, họ còn kéo đến các tòa nhà Quốc hội, Nội các và Bộ Y tế ở gần đó và phong tỏa văn phòng của Thủ tướng Ahmed Safiq. 

Đình công nổ ra trên khắp Ai Cập khi nhiều công ty tái mở cửa lần đầu tiên kể từ khi lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt cách đây gần 2 tuần. Các thành phần tham gia là lao động thuộc nhiều ngành nghề, trong đó có vận tải đường sắt, xe buýt, điện lực, dệt may, thép và đồ uống...

Tại một trong số các điểm xảy ra bất ổn, khoảng 8.000 người - chủ yếu là nông dân - đã dựng rào chắn bằng những cây cọ đang bùng bùng cháy ở tỉnh Assiut thuộc miền nam. Họ phong tỏa đường cao tốc và tuyến xe lửa chính tới Cairo để phản đối tình trạng thiếu bánh mì. Hàng trăm người sống trong khu ổ chuột thành phố Port Said thuộc Kênh đào Suez còn châm lửa đốt trụ sở chính quyền vì giận dữ thiếu nhà ở. 

Người lao động "có động lực để đình công khi họ nghe tin về tài sản nhiều tỷ đôla của gia đình Mubarak", trích lời Kamal Abbas, một lãnh đạo đình công. "Chúng tôi còn phải im lặng đến bao giờ nữa?".

Trước đó, báo chí đưa tin tài sản của gia đình Tổng thống Hosni Mubarak có thể lên tới hàng chục triệu đôla. Trong khi đó, khoảng 40% trong tổng số 80 triệu dân nước này sống dưới hoặc gần mức nghèo 2 USD/ngày. Thông tin đó càng khiến người biểu tình tức giận. 

"Mubarak, nói cho chúng tôi ông lấy 70 tỷ USD từ đâu", người biểu tình hô vang trước tòa nhà Bộ Y tế. 

Làn sóng biểu tình ngập tràn đường phố Cairo và các thành phố khác kể từ ngày 25/1 đã tạo ra thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Hosni Mubarak kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 30 năm. Họ đòi cải cách, lập một nội các mới và thanh lọc ban lãnh đạo đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, ông Mubarak nhất quyết không từ chức trước cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền ở Mỹ thì có khoảng 300 người có thể đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ kể từ khi biểu tình bắt đầu.  

Ở Quảng trường Tahrir hôm 9/2, khoảng 10.000 lại tập trung một ngày sau khi khoảng 250.000 người kéo tới để thể hiện quyết tâm tranh đấu đến cùng. Những người tổ chức kêu gọi một "cuộc phản đối mới gồm hàng triệu người" vào thứ Sáu (11/2). Tuy nhiên, lần này họ muốn các cuộc biểu tình nổ ra khắp Cairo thay vì chỉ tập trung ở Tahrir. 

Chính quyền Obama đang tiếp tục gây sức ép lên các nhà lãnh đạo Ai Cập. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs nói rằng chính phủ Ai Cập thậm chí không đáp ứng ngưỡng tối thiểu của những cải cách mà người dân yêu cầu, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc biểu tình rộng khắp sẽ tiếp tục cho đến khi nào thay đổi được thực hiện. 

Trong khi đó ở bên trong Ai Cập, phong trào biểu tình đang nhận được sự hậu thuẫn từ một phía không ngờ tới - đó là báo Al-Ahram thuộc sở hữu nhà nước. Vốn được coi là "phát ngôn viên" của chính quyền kể từ những năm 1950, tờ báo này nay đột nhiên chuyển tông khi đưa tin về làn sóng biểu tình và dùng từ "cách mạng" để miêu tả lực lượng chống Mubarak. Mới trước đó, Al-Ahram còn thường xuyên nhắc lại thông điệp của các nhà chức trách và gọi người biểu tình là "ngoài vòng pháp luật", "kẻ phá hoại" hoặc "đám âm mưu". 

Đến nay, mọi nỗ lực của Phó Tổng thống Suleiman nhằm đối thoại với người biểu tình về cải cách đều đã đổ vỡ do các nhà tổ chức biểu tình nghi ngờ kế hoạch của ông chỉ nhằm thay đổi bề nổi chứ không phải cải cách thực sự. Họ tuyên bố sẽ không ngồi vào bàn thương lượng chừng nào Mubarak từ chức.

Thanh Hảo (Theo AP)