- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc.

Tin bài khác:

Tôi làm việc cho Công ty từ ngày 01/01/1992 đến 01/01/1996 được chuyển đến Công ty khác và vẫn tiếp tục nộp bảo hiểm từ tháng 03/1996 đến nay.

Hiện tại vì lý do gia đình, tôi làm đơn xin nghỉ gửi đến Giám đốc Công ty thì được trả lời là hiện nay Công ty chưa có chủ trương chính sách thôi việc cho công nhân. Tuy nhiên tôi vẫn nộp đơn cho phòng hành chính Công ty và làm đủ 45 ngày theo Luật bảo hiểm, vậy tôi có được hưởng tiền trợ cấp thôi việc của Công ty và tiền trợ cấp thất nghiệp không? Kính mong nhận được sự tư vấn của luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn. (Câu hỏi của bạn đọc Phạm Hồng Thúy).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:

Chị có đơn xin nghỉ việc và đã thông báo cho Người sử dụng lao động trước 45 ngày, do đó thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp trong trường này được giải quyết như sau:

Thứ nhất: Về trợ cấp thôi việc:

Tại Điều 42 Bộ luật lao động quy định như sau: “Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có”

Tại khoản 2 Điều 41 Bộ luật lao động quy định: “Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc”

Trường hợp của chị là Hợp đồng không xác định thời hạn, với tổng thời gian làm việc là gần 19 năm từ 1992 đến 1996 và 1996 đến 2011 do vậy về nguyên tắc phải báo trước với người sử dụng lao động 45 ngày và chị đã làm đúng quy định, do đó chị sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.

Thứ hai: Về trợ cấp thất nghiệp:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng phụ thuộc vào thời gian có đóng bảo hiểm thấp nghiệp (BHTN) của người lao động . Tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nêu rõ:

“Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
+ Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
+ Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này”

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội cụ thể như sau: “Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau: Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên”.

Tuy nhiên, do thông tin chị cung cấp chưa xác định được chị có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không? Nếu trường hợp chị đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội và chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp thì chị sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Xin lưu ý: Theo quy định tại khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 1 Điều 41 Nghị định 127/NĐ-CP thì thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức. Tức là thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian làm việc trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Vì bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ 01/01/2009 nên  tại Công văn số 3168/LĐTBXH-LĐTL ngày 08/09/2008 Bộ Lao động thương binh xã hội có hướng dẫn áp dụng khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội như sau “… sau ngày 01/01/2009, người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng trợ cấp thôi việc đối với thời gian đã làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/2009 mà chưa nhận trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc”.

Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Số 29/298, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. ĐT: 04.38730018

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).