- Sau  khi đọc bài: 48.000 doanh nghiệp phá sản, không phải con số “bi đát”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi đến Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Ảnh minh họa
Không tin vào con số 48.000 doanh nghiệp phá sản, email tu.truongxuan68@gmail.com  viết: Tôi nghĩ rằng cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp thì phải đến 200.000 doanh nghiệp bị phá sản mới đúng, vì có rất nhiều doanh nghiệp gần như không thể hoạt động được. Và còn khoảng 200.000 doanh nghiệp ở vào thế hoạt động cầm chừng, gần bờ vực phá sản. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô không cải thiện thì sẽ còn nhiều vụ phá sản nữa.

Bạn đọc này đề nghị: Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp trợ giúp doanh nghiệp vựợt qua khó khăn chứ không chỉ là giảm thuế.

Từ thực tế của đơn vị mình, email tinhlx@opple.com.vn chia sẻ: Bản thân công ty tôi đã thành lập được 6 năm, đã có nhiều kinh nghiệm chống đỡ từ năm 2008. Nhưng đến năm 2011 quả thật là khó khăn hơn nhiều lần. Không ký hợp đồng với khách hàng thì không có việc làm cho người lao động, mà càng ký càng lỗ.

Khó khăn của doanh nghiệp được bạn đọc này nêu ra là lãi suất: “Thống đốc ngân hàng bảo giảm lãi suất xuống 19%. Hỏi thử có ngân hàng nào cho vay với lãi suất đấy không? Nhất là các ngân hàng TMCP. Tôi nghĩ nếu cứ như thế này đến cuối năm có đến 50% doanh nghiệp sẽ phá sản và tạm dừng. Và từng đó người lao động sẽ thất nghiệp hoặc làm không đủ ăn”.

“Nhà nước nên có chính sách sớm để khắc phục tình trạng trên” bạn đọc này đề nghị.

Email quocbao85@yahoo.com.vn chia sẻ: Chính phủ neo chặt tỷ giá USD trong khi đó nền kinh tế lạm phát (cung tiền  lớn) dẫn đến tiền Việt Nam lên giá với USD, hàng sản suất trong nước quá đắt so với các nước trên thế giới hàng hoá không bán được dẫn đến các công ty phá sản hàng loạt. Theo tôi phải tháo nút  thắt tỷ giá, nếu không, còn nhiều doanh nghiệp lên “đoạn đầu đài”.

Nhìn từ góc độ “bị phân biệt đối xử”, email cocoly@gmail.com  viết: Doanh nghiệp nào làm ăn được nhưng không được nhà nước bảo trợ thì phá sản thôi, tội nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân!

Cùng cảm nhận như trên, email ahr.sales@gmail.com viết: Có ai thương xót cho con số 48.000 doanh nghiệp phá sản không, hay chỉ có 48.000 người chủ doanh nghiệp và gia đình của họ kêu trời không thấu, cộng với số lượng người lao động trong những doanh nghiệp đó lao đao không có việc làm?

Bạn camlohalong@gmail.com chia sẻ nỗi lo lắng: Tôi học ra trường và thành lập doanh nghiệp được 2 năm. Trong khoảng thời gian đó tôi cũng đã thấm thía nỗi khổ thiếu vốn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
 
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng ngày phải gồng mình chống chọi với lạm phát, lo việc làm cho hàng vạn lao động phổ thông, lao động nông thôn. Trong thời gian đến, số phận của các doanh nghiệp và lao động này đi về đâu? Hàng vạn lao động lên thành phố kiếm việc làm, bây giờ hàng vạn người này về đâu?

Vì vậy, nghe “các ông” bảo đây là “cuộc sàng lọc có lợi”, bạn đọc này bức xúc đặt câu hỏi: Những người lao động kia rơi xuống hố bùn lầy chẳng lẽ cũng “có lợi”?

Bạn tanquyet@gmail.com nhìn nhận về yếu kém nội tại của doanh nghiệp: Hầu hết các ông chủ doanh nghiệp đều rất yếu về năng lực quản lý tài chính, nhân sự, tổ chức sản xuất...dẫn đến chi phí trong giá thành cao và chất lượng hàng hóa thấp, do đó mà phá sản.

Tỏ ra "cứng cáp” hơn, email hai@yahoo.com đề cập trách nhiệm của doanh nghiệp:Vấn đề không phải ngồi đợi nhà nước cứu, mà các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước. Muốn không rơi vào cảnh phá sản thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị tốt  doanh nghiệp. Nếu giá trị sản xuất một mặt hàng của Việt Nam mà cao hơn của nước khác thì phá sản là phải thôi, không trách ai được!

Ban bạn đọc