- “Dự án cầu Nhật Tân là dự án trọng điểm của quốc gia. Thế nhưng tại sao đến nay công trình chậm, thất thoát tiền tỉ của nhà nước và không được sự đồng thuận của người dân? Thông qua quá trình tìm hiểu, phản ánh đơn thư của các hộ dân ở tổ 47B - 47C- 47D cụm 7 (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) chúng tôi xin được cắt nghĩa một phần điều này. 

Tin bài cùng chuyên mục:


Dân tố "Có dấu hiệu trái chỉ đạo của Thủ tướng"?

Ngày 19/1/2006 Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 128/TTG-CN, cho phép đầu tư dự án xây dựng cầu Nhật Tân. Trong văn bản này chỉ đạo “Giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND TP.Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu cầu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư, bảo đảm chất lượng công trình và mỹ quan đô thị”.
Nhiều người dân ở tổ 47B - 47C- 47D cụm 7 khẳng định mình không được lấy ý kiến trong quá trình thực hiện dự án.

Theo phản ánh của người dân tổ 47B, 47C, 47D cụm 7 phường Phú Thượng - Các hộ dân này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xây dựng nút giao Phú Thượng của cầu Nhật Tân - thì họ không được hỏi ý kiến. Khi dân thắc mắc thì cán bộ của Ban quản lý dự án đưa ra văn bản họp ở tổ khác, một tổ dân phố cách cụm 7 hơn 500 m.

Cũng theo phản ánh của người dân thì bản chất quy hoạch nút này đã được điều chỉnh. Bằng chứng hiện hữu mà người dân đưa ra là văn bản số 3453/UBND - XDĐT ngày 8.8.2006 của UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị: “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao thông đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất thuộc dự án khu biệt thự Vườn Đào lô D1, D3 và khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ, khách sạn và nhà ở cao tầng”. Ngay sau đó, việc điều chỉnh này được thực hiện. Đường nhánh hoa thị này sau đó lao thẳng vào tổ dân cư tổ 47B, 47C, 47D cụm 7 làm nhiều hộ dân ở đây phải di dời.

Theo phản ánh của các hộ dân thì từ việc là những hộ dân không phải di dời bởi dự án thì điều chỉnh quy hoạch khiến họ mất đất, mất nhà. Thực tế là trước đó nhiều hộ gia đình sống tại cụm vẫn được địa phương cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, khi Ban giải phóng mặt bằng Quận Tây Hồ yêu cầu dân ở tổ 47B, 47C, 47D cụm 7 di dời lấy mặt bằng cho việc thực hiện dự án thì giá đất đền bù chỉ là 15 đến 17 triệu/1m2, đây là mức giá chỉ bằng 1/10 mức giá trên thực tế. Tuy nhiên khi người dân gửi đơn thư, khiếu nại, thắc mắc thì các cơ quan chức năng chỉ trả lời cấp trên để báo cáo mà không gửi văn bản trả lời đến trực tiếp dân.

Khó giải phóng mặt bằng vì đền bù thấp!
Những ngôi nhà 4, 5 tầng ở địa điểm đẹp trong quận Tây Hồ cũng chỉ được đền bù hơn 1 tỉ đồng.

Nói về vướng mắc hiện tại trong công tác giải phóng mặt bằng trong việc thực hiện dự án xây dựng cầu Nhật Tân, ông Nguyễn Văn Duẩn - Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận Tây Hồ: Công tác giải phóng mặt bằng phần chính tuyến của cầu Nhật Tân trên địa bàn Q. Tây Hồ gồm 126 phương án của 123 hộ dân đã được thu hồi và bàn giao 100%. Phần ngoài chính tuyến gồm đảo cỏ, đường dẫn hoa thị gồm 122 phương án thì dân không hợp tác - dân ở tổ 47B, 47C, 47D cụm 7, thậm chí chống đối và gửi đơn đi nhiều nơi.

“Dân cũng khiếu nại bằng văn bản trực tiếp đến Ban và chúng tôi đã có văn bản trả lời và gửi đến dân. Văn bản đó được giao cho đại diện tổ dân phố là ông Phùng Ngọc Tĩnh, có chữ kí của người nhận vào ngày 22/9” ông Duẩn khẳng định.

Việc giá đất đền bù chỉ bằng 1/10 thực tế, ông Duẩn bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi cho rằng băn khoăn của dân là chính đáng. Chủ yếu dân cho rằng giá đền bù thấp nên không chịu di dời. Ban đã kiến nghị để đơn giá đền bù nhân lên 1,5 theo quyết định giá đất đền bù giải phóng mặt bằng của Thành phố nhưng dân vẫn chưa đồng tình. Ban cũng báo cáo để tăng lên 1,8 lần nhưng không được Thành phố chấp nhận”.

“Ngoài ra người dân cho rằng họ không được họp bàn công khai, điều chỉnh quy hoạch vì “lợi ích của người giàu” cũng là một phần lý do dân không bàn giao đất để giải phóng mặt bằng. Trách nhiệm họp dân và việc quy hoạch thuộc trả lời của Ban quản lý dự án 85 của Bộ Giao thông Vận tải” ông Duẩn nói.

Việc dân vẫn được cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Duẩn phân trần: “Theo quy định của pháp luật khi chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn cấp giấy phép xây dựng tạm và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Tuy nhiên dân phải cam kết khi giải phóng mặt bằng không được đền bù. Ngày 29/9/2008 các hộ dân ở tổ trên mới có quyết định thu hồi đất như vậy trước thời điểm đó dân vẫn được cấp phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp”.

Thất thoát cụ thể của việc chậm thực hiện dự án xây dựng cầu Nhật Tân? Thực hư của việc làm đường tránh đất “nhà quan” lao thẳng vào nhà dân? Trao đổi với Ban quản lý dự án 85 của Bộ Giao thông vận tải sẽ làm rõ một số thắc mắc của dân.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân vượt sông Hồng nằm trên tuyến vành đai II, cách đầu cầu Thăng Long khoảng 3,6km về phía hạ lưu. Phía bờ nam thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và bờ bắc thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng, dài 8.933m; trong đó, cầu Nhật Tân dài 3.755m, mặt cắt ngang 33,2m theo quy mô cầu thiết kế vĩnh cửu, còn lại là hai đầu cầu dài 5.178m. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án lên tới 94,6ha gồm đất thổ cư (khoảng 6,6ha), đất thổ canh (81,8ha), đất công cộng (6,2ha).

Trong tờ trình xin phê duyệt dự án của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2005 còn coi đây là công trình cần thực hiện nhanh để đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện dự án kịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (trước tháng 10/2010) nhưng đến nay một phần dự án vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng.

  •   Tĩnh Phan

Bài 2: Ban quản lý cầu Nhật Tân nói gì?