- Dì và bác tôi nói là vì gia đình tôi khá nhất nên phải chịu trách nhiệm nuôi bà ngoại, dì và bác khó khăn hơn nên không có trách nhiệm nuôi ngoại. Vậy trách nhiệm nuôi bà ngoại thuộc ai trong gia đình?

Mẹ tôi vừa qua đời cách đây vài tháng. Trước khi mẹ tôi mất, bà có chuyển khoản cho em gái (dì của tôi) mượn một khoản tiền không lấy lãi suất lớn để mua đất và xây nhà, tuy nhiên lại không có giấy tờ cho vay. Tất cả những thỏa thuận chỉ qua điện thoại vì là hai chị em ruột trong gia đình.

Tuy nhiên khi mẹ tôi mất thì dì tôi lại nói đó là khoản tiền mẹ tôi cho dì nên gia đình tôi không được đòi lại.

Dì và bác tôi (anh trai của mẹ) cũng nói là vì gia đình tôi khá nhất nên phải chịu trách nhiệm nuôi bà ngoại, dì và bác khó khăn hơn nên không có trách nhiệm nuôi ngoại. Vậy trách nhiệm nuôi bà ngoại thuộc ai trong gia đình (Con hay cháu) ?

Xin cho hỏi sự việc này nếu xét theo khía cạnh luật pháp sẽ được giải quyết như thế nào? (Câu hỏi của bạn đọc Luu Quang Minh).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Theo nội dung trao đổi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Về quan hệ cho vay giữa mẹ bạn và dì.

Bạn không nói, mẹ bạn mất đi có để lại di chúc hay không và những ai là người thừa kế của mẹ bạn.Vì thế, chúng tôi tạm giả định là mẹ bạn mất đi không để lại di chúc. Như vậy tài sản mẹ bạn để lại (bao gồm cả quyền tài sản – quyền đòi nợ theo quy định của pháp luật) sẽ được để lại cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất - trong đó có bạn và bà ngoại. Vì được chuyển giao quyền đòi nợ nên bạn, bà ngoại bạn và những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu dì bạn trả số nợ đã vay của mẹ bạn.

Tuy nhiên, để được thực hiện quyền đòi nợ này, bạn và những người thừa kế khác phải chứng minh được quan hệ vay nợ giữa dì bạn và mẹ bạn. Căn cứ chứng minh bạn có thể thu thập từ giấy xác nhận chuyển khoản của ngân hàng nơi mẹ bạn chuyển tiền cho dì, các chứng cứ khác chứng minh quan hệ vay nợ (có thể là giấy nhận nợ của dì bạn, băng ghi âm việc xác nhận nợ của dì …) Sau khi có các giấy tờ này bạn có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu dì bạn thanh toán số nợ đã vay.

Thứ hai việc ai có trách nhiệm nuôi dưỡng ngoại, thuộc về quan hệ cấp dưỡng.

Theo quy định tại Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình thì: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.

Đối chiếu với các quy định trên thì trong trường hợp của bạn nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ do: Bác và dì (con cấp dưỡng cho mẹ), bạn (cháu cấp dưỡng cho bà ngoại).

Mức cấp dưỡng trong trường hợp này sẽ được tính và thỏa thuận theo quy định tại Điều 52, 53 Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể:

- Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người thì những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Văn phòng Luật Hoàng Kim. Địa chỉ: 5/178 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoai: 0986663459, thư điện thử: hoangkimluat@gmail.com

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).