- Em trai tôi đang làm công nhân trong nhà máy xi măng, Hôm đó, khi đang làm việc, do xảy ra xích mích nên em tôi bị quản đốc xưởng mắng chửi và đánh đấm trước mặt nhiều người. Thậm chí, người này còn vu cho em tôi ăn trộm tiền của anh ta dù chưa có bằng chứng.

Do quá uất ức, tối hôm đó em tôi đã uống rượu say rồi rủ 2 người bạn mang gậy tìm đến nhà người quản đốc, đập vỡ nhiều đồ đạc và đánh anh này thương tích 16%. Khi bị bắt và tỉnh rượu, em tôi vô cùng hối hận, đã xin lỗi và hứa sẽ bồi thường đầy đủ, nhưng người kia không đồng ý, nhất định đòi đâm đơn khởi tố.

Em tôi đã kết hôn, có vợ vừa mới sinh con được 2 tháng, là kinh tế trụ cột nuôi gia đình. Xin hỏi luật sư, với trường hợp của em tôi thì hình phạt nhẹ nhất là gì? Liệu việc em tôi bị người kia đánh đấm, hạ nhục có người làm chứng có thể kiện ngược hoặc trở thành yếu tố giảm nhẹ hình phạt được không? Mong luật sư tư vấn.

{keywords}
Em tôi có được giảm nhẹ hình phạt? (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn trình bày, nguyên nhân xảy ra sự việc xô xát xuất phát từ việc em bạn bị Quản đốc xưởng mắng, chửi và đánh đấm. Tuy nhiên, em bạn không thể viện dẫn lý do này làm cơ sở để biện minh cho hành vi cố ý đập phá đồ đạc và cố gây thương tích cho người khác. Thay vào đó, ngay sau khi sự việc xảy ra, em bạn cần trình báo sự việc đến cá nhân có thẩm quyền trong Công ty, trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, em bạn hoàn toàn có quyền trình báo sự việc tới Cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh, làm rõ sự việc.

Với tỷ lệ thương tật lên đến 16% gây ra cho nạn nhân, em của bạn có dấu hiệu về tội “Cố ý gây thương tích cho người khác” theo quy định tại Khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự. Theo đó, “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan cảnh sát điều tra chỉ được quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp có đơn yêu cầu của người bị hại. Bởi vậy, phương án khả dĩ nhất là gia đình nhà em bạn nên tích cực thăm nom, săn sóc người bị hại, đồng thời thể hiện sự ăn năn hối cả để người bị hại không có yêu cầu hoặc rút yêu cầu nếu đã đưa ra trước đó.

Trong trường hợp người bị hại kiên quyết yêu cầu Cơ quan chức năng khởi tố, lúc này em của bạn phải đối diện với trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, cụ thể:

Về trách nhiệm hình sự, hành vi cố ý gây thương tích đã xảy ra, vì vậy, để giảm nhẹ hình phạt, em bạn cần tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, ăn năn hối cả, chủ động khắc phục hậu quả…Khi vụ án được đưa ra xét xử, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để lượng hình, phán quyết một mức án phù hợp. Việc quyết định mức hình phạt thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. 

Về trách nhiệm dân sự, nếu Người bị hại có yêu cầu và hai bên không thể tự thỏa thuận, khi đó, em của bạn còn phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với giá trị tài sản bị hỏng.

Ngoài ra, đối với hành vi đánh đấm, hạ nhục em bạn do người quản đốc gây ra, chúng tôi khuyến nghị em bạn nên trình bày ngay trong quá trình Cơ quan điều tra khởi tố em bạn. Và tùy vào vào mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả xảy ra người quản đốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự. Trách nhiệm chứng minh và xác định Người quản đốc có tội hay không thuộc thẩm quyền của Cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định chứ không thuộc ý kiến chủ quan của em bạn.

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email luatthemis@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc