- Lấy chồng được 4 năm, tôi đã có 1 con gái 2 tuổi. Tôi muốn ly hôn với chồng bởi chồng tôi sống rất thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên chồng tôi lại không muốn ly hôn.

Xin cho tôi hỏi, tôi làm đơn xin đơn phương ly hôn thì ra tòa sẽ phải hòa giải bao nhiêu lần? Tôi làm đơn xin ly hôn sẽ gửi đến đâu? Làm sao để mình được quyền nuôi con? Tôi phải làm thế nào để tốn ít thời gian nhất? Mong luật sư trả lời giúp tôi. (Câu hỏi của bạn ptmnhan@v…com)


Trả lời:
Ảnh minh họa
Không biết bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cuộc sống sau ly hôn thế nào chưa? Chỉ vì lý do chồng sống “rất thiếu trách nhiệm” mà bạn đã đòi ly hôn liệu có quá vội vàng không?  Bạn hãy thử cố gắng tìm hiểu, động viên, thuyết phục anh ấy thay đổi cách sống xem sao? Chỉ tới khi nào sống cùng anh ấy bạn cảm thấy sợ, bất ổn hay càng sống càng mâu thuẫn trầm trọng, đau khổ cho nhau, nếu ly hôn bạn cảm thấy phấn chấn và có mong muốn cháy bỏng thì khi đó mới đến lúc “không cần thiết phải duy trì cuộc hôn nhân này nữa”. Tôi luôn chúc cho các bạn hạnh phúc, nhưng bạn hỏi thì tôi cũng trả lời như sau:

Pháp luật không quy định khi xin ly hôn bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng, một trong hai người có thể đơn phương xin ly hôn nhưng phải có lý do chính đáng. Bạn cần phải chứng minh căn cứ cho ly hôn theo Điều 89 – Luật hôn nhân gia đình “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án cho ly hôn”. Để tiết kiệm thời gian nhất (trong trường hợp hai người không thuận tình ly hôn ) chúng tôi hướng dẫn để bạn tự làm các việc cụ thể sau:

Bạn đến UBND xã (phường) sao chứng thực các loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh của con; hộ khẩu, CMND của bạn và của chồng bạn; giấy tờ nhà đất, phương tiện như ô tô, xe máy (nếu có).

Bạn làm đơn xin công an xã (phường) xác nhận địa chỉ cư trú hiện nay của chồng bạn, điều này trong pháp luật không quy định rõ nhưng có Tòa án vẫn bắt buộc phải có giấy này.

Đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi vợ chồng bạn có địa chỉ đang cư trú (đây chính là Tòa án có thẩm quyền giải quyết) để mua đơn xin ly hôn rồi bạn khai đầy đủ các thông tin như mẫu đơn hướng dẫn.

Bạn đem tất cả các giấy tờ trên đến nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án (trước khi đi nên tìm hiểu xem ngày nào tòa án nhận hồ sơ khởi kiện để đỡ mất thời gian đi lại). Khi Tòa án gọi bạn đến nhận giấy đi nộp tiền tạm ứng án phí thì cần chuẩn bị 200.000đ (nếu không có hoặc không tranh chấp về tài sản). Bạn nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án cấp quận (huyện) cùng nơi thẩm quyền Tòa án giải quyết. Sau khi nộp tạm ứng án phí xong, bạn nhớ mang biên lai thu tiền nộp lại cho Tòa án.

Bạn chờ Tòa án ra Quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý vụ án này tới cho bạn. Sau đó Tòa án sẽ triệu tập các đương sự để lấy lời khai và tổ chức hòa giải giữa các đương sự. Pháp luật không quy định trước khi xét xử vụ án Tòa án phải tổ chức hòa giải bao nhiêu lần, nhưng theo Bộ luật TTDS thì trường hợp ly hôn này ít nhất sẽ được Tòa án tổ chức hòa giải hai lần. Trước khi xét xử vụ án, Thẩm phán giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào tình hình thực tế vụ án và quan điểm của các bạn để có thể tổ chức hòa giải từ một đến nhiều lần nhưng trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự.

Trong trường hợp dù mới chỉ hòa giải được một lần, nhưng xét thấy nếu có tổ chức hòa giải nhiều lần các đương sự vẫn không thể thống nhất được với nhau thì Tòa án vẫn có thể quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, các đương sự một lần nữa sẽ được Hội đồng xét xử cho phép thỏa thuận với nhau, nếu không tự thỏa thuận được thì lúc này Hội đồng xét xử mới tiến hành xét xử vụ án.

Con bạn mới được hai tuổi, để bạn chắc chắn giành được quyền nuôi con thì nên chứng minh khả năng nuôi được con của mình như về kinh tế, nhà ở … nhưng bạn cũng yên tâm vì căn cứ Điều 92, khoản 2- Luật hôn nhân gia đình thì về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác.

(Tư vấn bởi Luật sư Bùi Tuấn Anh – Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Bạn đọc cần gửi ý kiến, tranh luận, đặt câu hỏi về các vấn đề pháp luật xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
.