-Sau khi đọc bài “Nới tỷ giá: Ai dám thách thức lạm phát?", nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Bạn Le Van, email nguyenlevan1968@yahoo.com.vn nêu ý kiến: Các chuyên gia kinh tế đề nghị tăng tỷ giá ngoại tệ, là làm cho thị trường ngoại tệ Việt Nam càng rối ren, tiền VND càng mất giá. Tôi đi nước ngoài du lịch và công tác đến nước nào cũng phải đổi ra tiền của nước sở tại mới tiêu được. Chính sách quản lý tiền tệ của các nước hay thế sao mình không học tập? Ngược lại, ở Việt Nam tiền nước nào cũng tiêu được (tiền Lào, tiền Camphuchia, tiền Thái Lan...). Qua theo dõi tôi thấy Trung Quốc và Nhật Bản đang tiến hành thanh toán bằng tiền của nước họ chứ không lệ thuộc vào USD, Euro.

Tán đồng ý kiến trên, bạn Kim Thương, email toan6110@gmail.com cho rằng: Ngân hàng nhà nước cần giữ vững tỷ giá hoặc tăng giá tiền đồng Việt Nam lên vì các ngành xuất khẩu của Việt Nam (trừ hàng nông sản) đều có đầu vào từ nhập khẩu. Giá trị gia tăng sau khi gia công để xuất đi quá thấp, nếu phá giá đồng nội tệ sẽ thiệt kép. Hệ thống kinh tế vĩ mô sẽ bất ổn. Chỉ nhóm lợi ích đầu cơ vàng và USD hưởng lợi lớn.

Sau khi đặt câu hỏi: “Tại sao nhiều đồng tiền trên thế giới như: Đô la Úc, Yên Nhật bản, Đô la Xin-ga-po, đồng Nhân dân tệ... không bị phá giá mà còn tăng giá, trong khi tiền đồng Việt Nam VND lại luôn bị phá giá?”, bạn Nguyễn Anh Minh, email tuan54vn@yahoo.com phân tích: “Phá giá đồng nội tệ trong khi nền kinh tế đang khó khăn là hết sức tối kỵ, bởi hầu hết nguyên liệu, nhiên liệu…phục vụ cho kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng, kể cả trong nông nghiệp như giống, phân bón…đa phần phải nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ cấu tỷ trọng giá thành nội địa thấp, nếu tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu và tăng trưởng GDP theo kiểu tăng giá sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế, hàng hóa sản xuất ra ra ứ đọng không tiêu thụ được. Nếu tăng tỷ giá thì giá thành hàng hoá và lạm phát sẽ tăng, hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Việc tăng tỷ giá chỉ mang lại lơi ích cho nhà đầu cơ và những nước mà Việt Nam nhập khẩu hàng hoá của họ. Năm 2012 là năm tiền đồng của Việt Nam ổn định nhất và Việt Nam đã có tích trữ một lượng lớn ngoại tệ và có xuất siêu, đó là tín hiệu tích cực và thắng lợi của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước Việt Nam”.

Theo bạn Cao Tuan, email caotuan64@gmail.com thì: Nước ta nhập siêu mà nới tỷ giá thì chỉ lợi cho xuất khẩu của 1 vài nhóm ngành nghề mà thiệt hại nặng cho toàn xã hội.

Bạn Nguyễn Ngọc Bích, email nnbichjsc@gmail.com ủng hộ ý kiến trên và nêu rõ: Muốn phát triển thì đồng tiền phải ổn định vì đồng tiền là thước đo, là chuẩn mực trong quan hệ thương mại, nó không được dành ưu ái cho bất cứ một ngành nào. Khi phá giá đồng tiền thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn là người dân lại đổ xô đi gom giữ đô-la để đầu cơ, làm cho việc gom ngoại tệ của ngân hàng gặp khó khăn, không thể hỗ trợ được cho xuất, nhập khẩu. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ giảm do không thể tính được lỗ lãi với một đồng tiền bất định. Kiều hối đổ về nhiều lại càng làm cho đồng tiền Việt Nam bị mất giá dẫn đến lạm phát cao hơn

Nhìn nhận của email Quyet@yahoo.com đa chiều hơn: Không tăng tỷ giá là một nền kinh tế “chết”, nhưng tăng ở thời điểm này là chưa đúng. Phải triệt tiêu hết tham nhũng thì mới tính đến tăng tỷ giá. Nếu tăng ngay lúc này, nhân dân Việt Nam sẽ chịu lạm phát 2 lần: Thứ nhất là do tham nhũng, thứ 2 là do tăng tỷ giá, dẫn đến càng khó khăn cho nền kinh tế. Việt Nam có thể chậm xuất siêu, chậm nhập siêu trong một thời gian nhất định để triệt tiêu tham nhũng rồi mới tăng tỷ giá thì nền kinh tế sẽ ổn định và sẽ có bước tiến bền vững.

Ban Bạn đọc