Khi trình độ các bác sĩ VN ngang tầm thế giới, việc tính đúng tính đủ chi phí khám chữa bệnh sẽ giúp bệnh viện có ngân sách cải thiện cơ sở hạ tầng, nhập máy móc mới… từ đó giúp người dân hưởng chất lượng y tế vượt trội.

VietNamNet giới thiệu phần cuối của Bàn tròn với Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế và Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về chủ đề: Tăng giá 1800 dịch vụ y tế.

Phần 1: Tăng giá khám chữa bệnh 2016: Người có BHYT hưởng lợi

Phần 2: Tăng giá dịch vụ y tế: Lỗ - lãi của người bệnh

{keywords}

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm quá tải bệnh viện

Nhà báo Ánh Tuyết: Thế nhưng độc giả vẫn rất quan tâm vấn đề là tăng giá 1800 dịch vụ thì liệu chất lượng có tăng không? BV Việt Đức sẽ làm thế nào để chất lượng dịch vụ xứng với đồng tiền bát gạo ạ?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Như vừa rồi anh Liên vụ trưởng đã phân tích, thay đổi này cùng với thay đổi về chính sách chuyển tuyến BHYT và tiến tới BHYT toàn dân thì người bệnh là khách hàng. Và khách hàng sẽ chỉ chọn những địa chỉ cung cấp dịch vụ có chất lượng và giá cả phù hợp.

Đó là điều mà hiện nay tất cả các BV trong đó có BV Việt Đức cần phấn đấu. Bởi vì chỉ khi người bệnh đến với BV và qua thu dịch vụ chúng tôi mới có nguồn để chi trả tiền lương tiền thưởng và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong năm vừa rồi, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế rất nhiều BV trong đó có BV Việt Đức quyết tâm thực hiện cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tức là không chỉ phấn đấu bảo đảm về chất lượng chuyên môn mà còn phải giảm thời gian chờ đợi, nâng cao ứng xử giao tiếp…

Trong năm tới, BV Việt Đức cũng sẽ tiếp tục đà này và nếu việc tăng phí dịch vụ được triển khai, BV Việt Đức chúng tôi sẽ tiến hành vay vốn để xây mới khu khám bệnh cho đồng bộ với các khu mới. Chúng tôi nghĩ là một khi cải thiện tăng diện tích khu khám bệnh, khu chờ, giảm tải thời gian chờ, đầu tư thêm cơ sở vật chất, tuyển thêm nhân lực thì chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn nhiều. Còn hiện nay với BV Việt Đức cái cần là giải quyết 2 khâu. 1 là khám bệnh, 2 là thời gian chờ mổ phải ngắn nhất.

Hiện các bệnh nhân chờ mổ ở các tỉnh lên nếu chờ đợi khoảng 1 tuần và cứ 1 người bệnh kèm 1 người nhà thì tiền thuê phòng trọ, ăn uống, chưa kể chi phí cơ hội mà họ mất đi khi chờ đợi có khi lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra thêm nếu tăng phí dịch vụ ngành y. Như vậy Nếu tính kỹ, thì việc tăng giá có lợi ích với người bệnh lớn hơn chứ không phải nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, BV Việt Đức cũng sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng.

Ông Nguyễn Nam Liên: Về vấn đề này tôi cũng xin nói thêm là, về việc nâng cao chất lượng dịch vụ ngành Y tế vừa qua ngành cũng có đường dây nóng.

Chúng tôi tổng kết từ đây và nhận thấy 2 vấn đề người dân phàn nàn nhiều nhất: 1 là cơ sở vật chất hạ tầng không đủ đáp ứng. Thực ra vấn đề này ngành cũng đã được Đảng và chính phủ đầu tư rất nhiều, hơn 600 BV đang được hưởng ngân sách từ nguồn trái phiếu chính phủ và 1 số BV tuyến huyện/tỉnh cũng rất khang trang.

Đối với tuyến TƯ thì không dàn trải nữa mà tập trung đầu tư ra tấm ra món để sớm hoàn thành các dự án. Ví dụ hôm qua vừa mới khánh thành tòa nhà 21 tầng ở BV Bạch Mai. Tòa nhà này có diện tích gấp đôi tòa nhà của Nhật viện trợ cho ta và chắc chắn sẽ góp phần giảm tải cho BV Bạch Mai. Hay như BV châm cứu cũng hoàn thành và cơ sở vật chất rất tốt. Ở những BV này chúng tôi đánh giá là cơ sở hạ tầng cũng đã tương đương với 1 số nước tiên tiến trong khu vực rồi. Và nếu chúng ta vẫn cứ áp dụng mức giá như hiện nay khoảng 7-8 chục ngìn/ngày/giường bệnh thì chắc chắn không đủ duy trì những tòa nhà như vậy nên buộc phải tính đúng tính đủ.

Vừa rồi chính phủ cũng đã đầu tư 20 nghìn tỷ để đầu tư xây dựng 5 BV chuyên khoa tại HN và TP.HCM. Hiện nay toàn ngành Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng BV Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 tại Hà Nam sao cho đến năm 2017, 2018 là hoàn thiện và đưa vào phục vụ người dân. Tại TPHCM là BV Nhi Đồng HCM và BV Ung bướu TPHCM cũng đang đầu tư xây dựng, bên cạnh đó là BV chấn thương chỉnh hình nữa.

Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 93 về ban hành 1 số cơ chế chính sách phát triển y tế, rất muốn huy động mọi nguồn lực của dần, của các thành phần y tế để đầu từ cho cơ sở hạ tầng của ngành

Vấn đề thứ 2 hay bị phàn nàn là phong cách và thái độ phục vụ, thì Bộ trưởng bộ Y tế vừa qua cũng phát động phong trào đổi mới thái độ phục vụ lấy người bệnh làm trung tâm đến tất cả các BV trên toàn quốc. Trước kia, cán bộ y tế cứ nghĩ rằng được nhà nước trả lương và mình thì ban ơn cho người bệnh. Nhưng khi tính tiền lương vào chi phí dịch vụ thì cán bộ ngành y cũng phải hiểu rằng người bệnh chính là người trả lương cho mình, cho nên bắt buộc phải nâng cao thái độ phục vụ. Lúc đó BHYT mới ký hợp đồng và có nguồn chi trả tiền lương như tôi nói ban đầu. Nói như vậy để thấy đây cũng là giải pháp hết sức quan trọng mà Đảng và chính phủ đã làm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Mời bệnh nhân cùng giám sát tính đúng, tính đủ

Nhà báo Ánh Tuyết: Đúng là khi tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh thì cán bộ ngành Y tế sẽ phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thế nhưng VietNamNet nhận được câu hỏi của rất nhiều bạn đọc từ khắp nơi gửi về băn khoăn rằng khi tăng giá hơn 1800 dịch vụ y tế thì đâu dó liệu có hiện tượng lợi dụng giá mới để cơi nới thu thêm tiền của người bệnh không ạ? Ngành y tế làm thế nào để kiểm soát được tệ nạn này ạ? Câu hỏi này xin dành cho BV Việt Đức?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: BV Việt Đức từ nhiều năm nay đã có quy định tất cả mọi nguồn thu đều phải tập trung về BV. Tất cả các khoa phòng điều trị chỉ có trách nhiệm làm chuyên môn, các phòng ban quản lý sẽ có trách nhiệm thu tiền. Đấy là ý thứ nhất. Ý thứ 2 tôi nghĩ là trước đây khi giá chưa tính đủ có thể 1 số BV phải thu thêm những chi phí mà chưa được cơ cấu trong giá, để bù đắp 1 phần chi phí thiếu hụt. Hiện nay khi giá đã tính đủ thì không có lý do gì để các BV phải thu thêm.

Còn về mặt tổ chức thì đương nhiên các BV đều đang có những chế tài rất cụ thể để hạn chế thấp nhất tình trạng nhân viên y tế thực hiện sai quy định ví dụ thu tại chỗ không có biên lai. Với những biện pháp đang triển khai ví dụ như hòm thư góp ý, đường dây nóng, và với chế tài thưởng phạt nghiêm minh Chúng tôi nghĩ là sẽ không còn tình trạng thu thêm.

Đặc biệt là nhờ các nhà báo, phương tiện truyền thông tuyên truyền cho người dân hiểu và biết được quyền lợi của mình thì sẽ phối hợp cùng với lãnh đạo các bệnh viện để cùng tham gia giám sát việc thực hiện của các BV cũng như nhân viên y tế.

Nhà báo Ánh Tuyết: Còn về phía các cơ quan quản lý thì sao thưa Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên, Bộ y tế sẽ giám sát như thế nào để tránh thiệt hại cho người dân khi tăng giá dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Nam Liên: Chúng tôi thấy giá dịch vụ y tế lần này thì Liên Bộ y tế - Tài chính ban hành rất cụ thể giá của từng dịch vụ một. Những dịch vụ,loại vật tư, hoá chất mà do sự sử dụng của người bệnh mà có khác nhau, hoặc có nhiều dải giá khác nhau thì mức tính giá bình quân chưa phù hợp thì Liên Bộ đã có quy định rất cụ thể những cái tính trong giá và những cái không tính trong giá. Trong thời gian tới, Bộ y tế, Tài chính và BHXH Việt Nam sẽ triển khai tới tất cả các bệnh viện, địa phương trong toàn quốc. Bản thân các bệnh viện sẽ phải triển khai cho cán bộ nhân viên y tế có liên quan.

Ví dụ như những người làm việc điều trị hay thống kê các vật tư hoá chất sử dụng cho người bệnh cũng như người làm thanh toán để làm sao không được thu những gì đã được tính trong giá, những cái chưa được tính trong giá thì sẽ được tính bằng giá mua vào qua đấu thầu của bệnh viện sao cho thật rõ ràng minh bạch tránh lạm thu.

Thứ hai là trong Thông tư vừa qua, Bộ y tế cũng đã quy định rất rõ là Bộ y tế, Bộ tài chính và BHXH Việt Nam phải có trách nhiệm giám sát vấn đề này. Bộ y tế cũng giao cho thanh tra Bộ và thanh tra y tế của địa phương thường xuyên đi giám sát và nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá. Vừa rồi Chính phủ đã quy định rất rõ ràng, vi phạm trong lĩnh vực giá như việc thu sai giá đều có mức phạt.

Một điều nữa là chúng ta có cơ quan BHXH là bên thứ ba thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện. Cơ quan này sẽ thực hiện giám sát và BHXH Việt nam cũng sẽ tăng cường giám sát vấn đề này. Một đặc điểm nữa là hệ thống Công nghệ thông tin, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ y tế và BHXH kết nối công nghệ thông tin giữa các bộ phận để kiểm tra, giám sát toàn bộ việc thanh toán chi phí đối với người có thẻ BHYT.

Chúng tôi nghĩ rằng với những giải pháp tổng thể này, người dân có thể yên tâm về việc tăng giá viện phí, các đơn vị phải đảm bảo đúng quy định của nhà nước, không có tình trạng lạm thu hoặc tăng thu.

{keywords}

Nhắm đích 100% người dân có BHYT

Nhà báo Ánh Tuyết: Đó là giải pháp ở tầm hẹp, còn ở tầm rộng hơn thì như Vụ trưởng đã trình bày, để đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT, để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm, Bộ y tế đã có giải pháp gì để người chưa tham gia BHYT tham gia BHYT ạ thưa Vụ trưởng?

Ông Nguyễn Nam Liên: Như tôi đã nói, hiện nay còn khoảng 25% dân số là chưa có thẻ BHYT. Nhóm đối tượng này có rất nhiều là lao động không chính thức, hợp đồng ngắn hạn ở các doanh nghiệp. Đối tượng này sẽ phải cùng các cơ quan có liên quan như cơ quan cấp phép hoạt động hay cơ quan thanh tra kiểm tra của địa phương để đi thanh tra kiểm tra yêu cầu các chủ doanh nghiệp kể cả sử dụng lao động trong 1 tháng trở lên cũng phải đóng BHYT để đảm bảo quyền lợi.

Chúng tôi cũng mong muốn người lao động khi đã đi làm việc cho chủ sử dụng lao động cần phải biết được quyền lợi của mình là phải được chủ sử dụng lao động đóng BHYT. Hiện nay đang quy định mức đóng là 4,5% lương, trong đó chủ sử dụng lao động phải đóng 3%, bản thân người lao động phải đóng 1,5 % thì cũng nên bỏ ra 1,5% để đóng BHYT.

Chính phủ đã quy định một số nhóm làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình khi tham gia BHYT sẽ được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 30%. Chúng tôi hy vọng khi điều chỉnh được giá dịch vụ y tế thì Nhà nước sẽ không phải cấp ngân sách cho các bệnh viện nữa, sẽ giành được phần ngân sách này để tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng này lên không chỉ 30% mà có thể lên đến 50-60%.

Một nhóm nữa là hộ gia đình, luật quy định rất rõ chúng ta phải tham gia BHYT bắt buộc. Đối với các gia đình có nhiều thành viên, người thứ nhất đóng 100% mệnh giá thẻ, khoảng 621.000. Người thứ hai chỉ phải đóng 70% thôi, tức là đã được giảm 30% rồi, người thứ ba còn 60%, người thứ tư 50% và từ người thứ năm trở đi chỉ đóng 40% để khuyến khích người dân tham gia BHYT hộ gia đình. Đó là mức hỗ trợ của ngân sách TW.

Thủ tướng đã khuyến khích những địa phương có nguồn tài chính của mình có thể hỗ trợ thêm để người dân tham gia BHYT. Đặc biệt, sắp tới khi chúng ta thực hiện Chuẩn nghèo mới từ năm 2016, số đối tượng nghèo sẽ được tăng lên và tỷ lệ bao phủ cho đối tượng này cũng được tăng lên. Rất nhiều tỉnh cũng tăng mức chuẩn nghèo để hỗ trợ tham gia BHYT. Trong thời gian tới, BHYT sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm các dự án viện trợ không hoàn lại hoặc một số nhà hảo tâm để tiếp tục cùng các địa phương hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn tham gia BHYT để sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân.

Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, Thủ tướng đã có quyết định giao chỉ tiêu tham gia BHYT cho từng địa phương theo từng năm một để các địa phương cố gắng đạt được. Trong thời gian vừa qua các tỉnh có tổ chức Đại hội Đảng, chúng tôi đều tham gia đóng góp ý kiến để làm sao cả hệ thống chính trị vào cuộc phải đưa chỉ tiêu tham gia BHYT của từng địa phương vào nghị quyết của ĐH Đảng Bộ tỉnh mình để làm cơ sở vận động người dân, huy động các nguồn lực xã hội để người dân tham gia BHYT.

Nhà báo Ánh Tuyết: Có thể thấy rõ ràng chính sách để người chưa mua BHYT tham gia BHYT. Nhưng một câu hỏi đặt ra đối với người chưa mua BHYT là liệu tờ giấy này có giúp họ đủ chi phí để khám chữa bệnh ở mức cơ bản trong hoàn cảnh giá mới không?

Ông Nguyễn Nam Liên: Như chúng tôi đã nói, khi Bộ Y Tế và Bộ Tài Chính tính toán điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, với cũng mức đóng như hiện nay là 4,5% lương, vẫn có thể đảm bảo quỹ khám chữa bệnh BHYT cân đối được đến năm 2018. Từ nay đến năm 2018, những người có thẻ BHYT có thể yên tâm, chưa phải đóng thêm.

Một khía cạnh khác liên quan đến mức đóng của người dân, đã được BHYT thanh toán cơ bản các dịch vụ trong 1.800 dịch vụ tăng giá. Không sử dụng dịch vụ này thì cũng dùng dịch vụ kia thì đều đã được BHYT thanh toán. Cho nên, khi người dân tham gia BHYT thì chắc chắn sẽ được đảm bảo quyền lợi y tế cơ bản của mình.

Ở đây có khám bệnh, ngày giường điều trị, một số chiếu chụp chẩn đoán xét nghiệm được BHYT thanh toán, các phẫu thuật cũng vậy. Để mở rộng quyền lợi của người bệnh lên hơn nữa thì chắc chắn chúng ta phải cân nhắc đến vấn đề nâng mức đóng BHYT lên. Vì trong thời gian qua, chi phí cho y tế ngày càng tăng lên, rất nhiều kỹ thuật mới, thuốc mới đã thực hiện được. Rất nhiều bệnh trước kia chúng ta nghĩ rằng bó tay thì đã được chữa, điều trị khỏi. Song song với đó chi phí cũng rất lớn nên phải tính toán lại mức đóng từ năm 2018 trở đi để đảm bảo được khi có thẻ BHYT thì về cơ bản, các chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp bị đau ốm là được BHYT thanh toán.

Thêm một ý nữa, các tổ chức quốc tế cũng chỉ ra rằng, khi điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ăn, ở, mặc vẫn ở mức bình thường nhưng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe ngày càng tăng. Phần lớn ở các nước dành 10-15% thu nhập, tiền lương để mua BHYT, lúc đó, BHYT mới đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Nhà báo Ánh Tuyết: Xin cảm ơn các vị khách mời!

VietNamNet