- Bàn tròn trực tuyến: “Thấy gì từ biến động xét tuyển Đại học 2017?” vừa diễn ra tại VietNamNet với sự tham gia của 3 khách mời đến từ Bộ Giáo dục- Đào tạo, Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và đại diện trường Đại học Ngoại thương.

>> Điểm cao vẫn trượt đại học: "Tại anh hay tại ả"?

Kỳ tuyển sinh đại học 2017 đã kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên với 170 trong hơn 320 trường đại học đã tuyển đủ chỉ tiêu. Đây là năm thứ 3 cả nước tiến hành một kỳ thi với hai mục đích “công nhận tốt nghiệp” và “xét tuyển đại học”, cũng là năm đầu tiên hầu hết các môn – trừ Ngữ văn – được thi theo hình thức trắc nghiệm.

Năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Sau khi biết điểm thi, thí sinh còn được điều chỉnh nguyện vọng. Sau đợt xét tuyển đầu tiên, đã có 170 trong số hơn 300 trường tuyển đủ chỉ tiêu.

{keywords}
Ông Phạm Tất Thắng

Điều gây bất ngờ hơn cả là sau khi có kết quả, điểm chuẩn nhiều trường đại học năm nay trở nên cao kỷ lục. Thậm chí có những ngành, mức điểm chuẩn vượt hơn cả điểm số tuyệt đối tối đa của 3 môn (10 điểm/môn), lên tới 30,5 điểm. Mức điểm chuẩn năm nay ở một số ngành còn tăng vọt lên 2-4, thậm chí là 7 điểm so với năm trước.

Nhiều nghịch lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH này đã tốn khá nhiều giấy mực để mổ xẻ trong tuần qua như: Đạt 30 điểm, chưa chắc đã đỗ; Điểm thi cao hơn điểm chuẩn, vẫn trượt như thường (vì tiêu chí phụ)…

Nhiều vấn đề đặt ra từ kỳ thi và việc xét tuyển như: Đề thi có dễ, Cơ chế điểm cộng có thực sự hợp lý? Học sinh thủ đô thiệt thòi hơn học sinh các tỉnh? Hình thức trắc nghiệm có thực sự phù hợp? Hay như việc tuyển sinh có được tuyển đúng đối tượng, có năng lực, có đam mê ngành nghề đã chọn..

Những hiện tượng này được nhìn nhận và nên điều chỉnh thế nào trong tương lai? Đây là điều đang được học sinh, các bậc phụ huynh và cả xã hội quan tâm rất lớn.

Với nhiều băn khoăn đó, VietNamNet tổ chức Bàn tròn trực tuyến với chủ đề : “Thấy gì từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2017?"

Chương trình đã phát trực tiếp lúc 14h15p chiều nay 4/8 và livestream qua fanpage Vietnamnet, với sự tham gia của 3 khách mời:

- Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.

- TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương.

Nhiều câu hỏi của bạn đọc đã gửi về email chương trình bantrontructuyen@vietnamnet.vn và đã được các khách mời giải đáp đầy đủ. 


{keywords}

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT


{keywords}

TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương (bên trái) và nhà báo Phạm Huyền

Bạn đọc Nguyễn Hương gửi băn khoăn qua fanpage Vietnamnet.vn: “Việc cộng điểm khu vực vào điểm thi quá cao không đánh giá đúng năng lực học sinh. Vậy Bộ Giáo dục có gì thay đổi và bao giờ sẽ thay đổi? Con tôi ở Hà Nội rất thiệt thòi so với các bạn được cộng đến 3 điểm thi đại học. Trong thời buổi thi trắc nghiệm chênh nhau có từng 0 phẩy nho nhỏ thì 3 điểm là quá nhiều”.

Bạn đọc Giang Trà đặt vấn đề: “Liệu có nên bỏ thi trắc nghiệm?” Bạn đọc Khánh Lương đưa ra băn khoăn: “Trường hợp điểm thi của thí sinh đạt tuyệt đối 30đ/30 mà vẫn trượt nguyện vọng 1 thì thí sinh có thể kiện trường được không, vì thí sinh đủ tất cả các điều kiện mà trước khi thi nhà trường đặt ra?”

Nhiều trường hợp cụ thể cũng được các bạn đọc gửi đến như bạn đọc Lê Bá Ích cho biết: “Điều nghịch lý là thí sinh đạt điểm thi 29,35 thì rớt, trong khi thí sinh khác đạt 29,15 thì đỗ, khi thi vào ngành bác sĩ đa khoa ĐHYD TP.HCM, do điểm của các thí sinh trên đều làm tròn là 29,25. Và tiêu chí phụ đầu tiên nhà trường quy định là môn tiếng Anh . Do đó, điểm thấp hơn nhưng môn tiếng Anh cao hơn thì đỗ”. 

Với thực tế này, bạn đọc Ích hỏi: “Tại sao chúng ta không để nguyên điểm mà phải làm tròn? Tại sao tiêu chí phụ không chọn là môn Văn thay cho môn tiếng Anh, như có lần Bộ trưởng Bộ Y tế có nhận định: học sinh học tốt môn văn giàu lòng trắc ẩn, cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của người bệnh. Từ đó, chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn?

Một bạn đọc khác tên Đỗ Đức Việt cũng đề nghị các khách mời giải thích: “Kết quả thi: 28 điểm (Toán 9.5 Lý 9 Hóa 9, Ưu tiên 0.5). Nguyện vọng 1 là ĐH Dược Hà Nội hiện không đạt. Nguyện Vọng 2 là ĐH Ngoại thương đạt. Yêu cầu đăng ký nhập học chậm nhất 7/8/2017. Vậy nếu đã đăng ký ĐH Ngoại thương, nhưng sau ngày 7/8/2017 ĐH Dược hạ điểm chuẩn thì em có được đăng ký nhập học ĐH Dược không? Thủ tục như thế nào?”…

Ngoài ra chương trình cũng nhận được rất nhiều chia sẻ của bạn đọc về tính minh bạch, chuẩn mực của kỳ thi năm nay như bạn đọc Trương Văn Thành bình luận: “Tôi thấy rằng, trong mấy năm qua vấn đề đổi mới giáo dục có rất nhiều vấn đề, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng có vẻ như nó chưa sát với thực tế cuộc sống mà cứ nặng trên lý thuyết. Nền giáo dục đào tạo có quá nhiều vấn đề phải cải tổ sâu, đặc biệt là tuyển sinh vào ĐH Như kỳ thi vừa rồi, điểm sàn đầu vào quá cao. Do đâu, trước hết theo tôi là việc thiết kế đề thi chưa ổn, đề thi hoàn toàn là trắc nghiệm khi việc coi thi chưa được chuyên nghiệp là điều quá nguy hiểm. Ví dụ như bài tự luận, khi các em nhìn bài nhau thì thời gian rất lâu. Nhưng với trắc nghiệm khi hỏi bài hoặc nhìn bài thì rất nhanh, chưa nói là đánh bừa may rủi. Như vậy sẽ dẫn đến điểm của thí sinh rất ảo, dẫn đến hệ lụy sau này sinh viên chật lượng không thực chat.

“Vậy xin các khách mời cho biết Bộ Giáo dục ĐT đã có họp để nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này chưa và làm thế nào để nâng cao toàn diện chất lượng GD ĐT đặc biệt là trong vấn đề thi tuyển?”, bạn đọc Trương Văn Thành hỏi.

Mời bạn đọc cùng xem lại những chia sẻ của các vị khách tại video sau:

VietNamNet