"Quốc hội đã có quy định tất cả các dự án liên quan đến dân, thì phải công bố công khai toàn bộ các chi tiết để dân giám sát".

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị tạm dừng việc ký kết hợp đồng với Xinxing (Trung Quốc) - nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo cho dự án cấp nước Sông Đà giai đoạn 2.

Qua rà soát, tổng hợp, bước đầu UBND TP Hà Nội đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện một số nội dung công việc như sau:

Thứ nhất, tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện.

Thứ hai, nghiên cứu kỹ về ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận của nhân dân liên quan đến việc lực chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện;

Thứ ba, thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp, bảo đảm theo các tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ mời thầu. Lập quy trình kiểm định, nghiệm thu chất lượng vật tư từ giai đoạn sản xuất, thi công, đưa vào sử dụng lâu dài kèm theo các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, đánh giá;

Thứ tư, sau khi tư vấn thực hiện đánh giá đạt kết quả, Chủ đầu tư phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, các nhà chuyên môn và các nhà khoa học biết và ủng hộ; Trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, Chủ đầu tư phải thông báo hủy ngay kết quả đấu thầu.

{keywords}

Hà Nội kiến nghị dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc

Thứ năm, chủ đầu tư tập trung thực hiện toàn bộ các nội dung trên và hoàn thành trong tháng 4/2016 (do tính cấp bách của công trình).

Trước văn bản kiến nghị trên của Hà Nội, trao đổi với Đất Việt, ngày 9/5, ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết: "Đây là quyết định vô cùng đúng đắn và hợp với lòng dân của lãnh đạo thành phố Hà Nội, liên quan đến dự án đường ống nước sông Đà lần 2.

Đầu tiên chúng ta phải khen khi Hà Nội đã lắng nghe ý kiến của dân, vì dân là người đưa ra kiến nghị tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc để xem xét lại quá trình xét tuyển thầu".

Thế nhưng, điều đáng nói, trước đó, ngày 25/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

Ông Phúc cũng yêu cầu Hà Nội đánh giá, làm rõ những thông tin liên quan đến dự án, phải báo cáo kết quả quả trước ngày 31/3.

Thậm chí, theo văn bản trên của Hà Nội thì trong tháng 4, chủ đầu tư là Công ty Viwasupco - đơn vị thành viên của Tổng công ty Vinaconex phải báo cáo đầy đủ các nội dung liên quan đến dự án.

Tuy nhiên, cho đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra bất kỳ một thông tin nào liên quan đến dự án.

Về thực tế trên, bà An cho hay: "Bản thân tôi cũng như nhiều ĐBQH cũng đã đặt ra câu hỏi, tháng 4 là thời hạn chủ đầu tư phải báo cáo kết quả lên UBND TP Hà Nội, cũng như Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng hoàn toàn chưa có bất kỳ thông tin gì.

Chính vì thế, tôi đề nghị Vinaconex phải có báo cáo cụ thể với Thủ tướng chính phủ với Hà Nội, vì sao báo cáo chậm như vậy, lý do chậm cũng phải công bố công khai để dân biết.

Nếu không chậm báo cáo, đã hoàn thiện và báo cáo lên các cơ quan quản lý rồi, thì phía Hà Nội cũng nên công bố công khai toàn bộ kết quả đánh giá những thông tin liên quan đến dự án, từ việc đấu thầu cũng như quy trình lựa chọn nhà thầu, chỉ tiêu giá cả vì đây không phải bí mật quốc gia.

Quốc hội đã có quy định tất cả các dự án liên quan đến dân, thì phải công bố công khai toàn bộ các chi tiết để dân giám sát".

Bên cạnh đó, theo bà An, sau khi công khai toàn bộ các kết quả kiểm tra, giám sát, các nhà khoa học cũng như quản lý sẽ xem xét, nếu đấu thầu đảm bảo quy trình, chất lượng thì tiếp tục. Còn nếu như sai quy trình, thì thuê chuyên gia quốc tế hỗ trợ thực hiện đấu thầu lại nếu cần thiết.

"Càng chậm công khai thì càng làm cho người dân đặt ra nghi ngờ về sự minh bạch của quá trình đấu thầu", bà An khẳng định.

Theo Báo Đất Việt