Theo thông tin từ “Đường dây nóng” Báo Quân đội nhân dân, một số người dân trên địa bàn các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương và TP Hải Phòng phản ảnh, có nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 5 đang hằn lún nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đến hiện trường, tìm hiểu và cung cấp một số thông tin liên quan đến sự việc này.

Mặt đường “sống trâu”, gồ ghề

Từ Hà Nội xuống Hải Phòng, chúng tôi phải đi xe máy khá chậm vì sợ trượt bánh xe do nhiều đoạn đường lún sâu. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị bảo trì, sửa chữa đã dùng máy cào san bằng phần gồ lên. Ông Hoàng Viết Quý, một người dân ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, cho biết: “Tôi là người dân bình thường chứ chưa nói đến cán bộ chuyên môn cũng biết chất lượng bảo trì tuyến đường này kém. Một năm tôi chứng kiến họ chắp vá, dùng máy đào lớp nhựa đường cũ, rồi trải thêm lớp nhựa đường mới ba đến bốn lần, thế nhưng đâu lại vào đó. Có những chỗ gồ ghề “sống trâu” lên tới 15-20cm, thậm chí có chỗ cao hơn. Điều đó thực sự là nỗi lo sợ cho người tham gia giao thông”.

{keywords}

Đoạn tuyến Quốc lộ 5 từ Km94 đến Km104, mặt đường gồ ghề do cào bóc những “sống trâu” hằn lún.

Mỗi khi chúng tôi đi qua đoạn đường gồ ghề, lồi lõm… đều nơm nớp lo sợ xe bị trượt bánh. Đặc biệt, vào những lúc trời mưa, việc lưu thông càng trở nên khó khăn. Khi chúng tôi đi xe máy qua đoạn đường thuộc Km94 - Km95, trời mưa to, càng “thấm” nỗi lo của người dân khi tham gia giao thông. Ở cung đường này, nhiều đoạn mới mưa đã ngập khoảng 20cm do mặt đường bị lún. Bà Đào Thị Dương, một người dân ở xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, đoạn đường đi qua xã An Đồng được trải thêm lớp nhựa đường mới. Người dân phấn khởi “chưa tày gang” thì đường lại bong tróc, đi lại thêm phần khó khăn hơn. Cách đây vài tháng, tôi lại thấy có đơn vị đến bóc lớp mặt đường cũ, đắp dày thêm mặt đường. Thế nhưng, chẳng được bao lâu mặt đường lại gồ ghề, thậm chí có nhiều đoạn lồi lõm như luống cày, do mặt đường xấu nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Mai Xuân Phương, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hải Phòng cho biết: “Đoạn Quốc lộ 5 đi qua địa bàn TP Hải Phòng mới được sửa chữa, nhưng từ ngày sửa xong xảy ra hiện tượng lún, rộp, tạo thành rãnh nên đơn vị thi công phải làm đi làm lại. Vào những đợt nắng nóng, lưu lượng xe cơ giới chạy nhiều, nhất là dịp nắng tháng 7 vừa qua thì hằn lún dễ nhận thấy. Do sửa chữa nhiều lần nên đơn vị thi công khắc phục bằng cách dùng máy cào những chỗ gồ ghề để cho phẳng”.

Theo thống kê của Sở GTVT Hải Phòng, mỗi ngày đêm có hơn 50.000 lượt xe cơ giới đi hai hướng Hà Nội-Hải Phòng và Hải Phòng-Hà Nội qua đoạn tuyến Quốc lộ 5 thuộc địa bàn thành phố. Trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, chúng tôi ghi nhận không chỉ khoảng hơn 10km qua địa phận Hải Phòng, mà còn nhiều đoạn đường chạy qua các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, TP Hà Nội cũng có những chỗ bị sụt lún, gồ ghề.

Tìm “thuốc” trị hằn lún

Ông Nguyễn Xuân Trường, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) 3-Bộ Giao thông vận tải, đại diện chủ đầu tư Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5 cho biết, dự án hoàn thành và bàn giao sử dụng từ năm 2013 với số vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần hai năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu trong dự án đã hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe, tạo thành những “sống trâu”, gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Hằn lún chủ yếu tập trung ở Gói thầu số 11 (đoạn từ Km94-Km104), hoàn thành từ tháng 6-2013 nhưng đến nay nhà thầu đã phải 5 lần bóc đi, thảm lại. Với những vị trí tiếp tục xuất hiện hằn lún, Ban QLDA 3 đã chỉ đạo nhà thầu thường trực bố trí máy cào bóc tại hiện trường để bảo đảm ATGT.

{keywords}

Vị trí hằn lún hiện rõ trên mặt đường Quốc lộ 5, mỗi khi mưa bị đọng nước gây khó khăn cho phương tiện.

Chúng tôi được biết, để tìm nguyên nhân gây hằn lún trên nhiều tuyến quốc lộ khắp cả nước, trong đó có Quốc lộ 5, nhóm chuyên gia của Trường Đại học GTVT đã đi khảo sát, kiểm tra thực địa. Theo kết quả nghiên cứu Trường Đại học GTVT gửi lãnh đạo Bộ GTVT, nguyên nhân quan trọng nhất gây nên hiện tượng này là do trong quá trình thi công lớp vật liệu bê tông nhựa, việc giám sát, tuân thủ quy trình sản xuất, tổ chức thi công, nghiệm thu lớp bê tông nhựa chưa chặt chẽ, nhất là trong các khâu: Thiết kế và sản xuất, nhiệt độ trộn, nhiệt độ rải, nhiệt độ lu lèn dẫn đến mặt đường không bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật, gây hằn lún. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, một phần còn do dự báo về lưu lượng, thành phần, tải trọng xe chưa tốt, chưa khống chế, kiểm soát hết được xe quá tải, ở nhiều đoạn tuyến, hiện tượng hằn lún chỉ xảy ra ở một chiều xe chạy, nơi có lượng hàng hóa vận chuyển chủ yếu. Nhìn nhận thêm nguyên nhân, ông Nguyễn Xuân Trường thông tin, trên Quốc lộ 5 có khoảng 10 nút giao và các vị trí đặt trạm thu phí, trong khi lưu lượng và tải trọng xe lớn, tốc độ lưu thông thấp, phải phanh, dừng xe nhiều nên mức độ trùng phục lớn. Điều này không chỉ gây hư hỏng mặt đường mà quá trình thi công sửa chữa cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm giao thông.

Để giải quyết dứt điểm hằn lún trên Quốc lộ 5, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu mời Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải tiến hành sửa chữa. Đây là nhà thầu thi công cam kết bảo hành 5 năm không hằn lún tại những gói thầu tham gia. Hiện nay, nhà thầu Sơn Hải đã bắt đầu sửa chữa tại Gói thầu số 11 trên Quốc lộ 5, dự kiến đến tháng 12-2015 sẽ hoàn thành. Đại diện Ban QLDA 3 cho biết, do những ngày gần đây, thời tiết mưa nhiều, việc thi công đang phải tạm dừng vì bê tông nhựa rất "kỵ" trời mưa. Ngay khi thời tiết tốt hơn sẽ tiếp tục thi công. Nhà thầu đề nghị phân luồng giao thông phục vụ trong quá trình thi công và trong vòng 24 giờ sau khi thảm bê tông nhựa, các phương tiện không đi qua vị trí vừa thảm để bảo đảm cường độ bê tông nhựa. “Việc phân luồng phục vụ thi công rất khó khăn, tình trạng ùn tắc đã xảy ra. Ban QLDA 3 và địa phương đã thống nhất các phương án phân luồng chi tiết để bảo đảm giao thông”, ông Nguyễn Xuân Trường chia sẻ. Về nguồn kinh phí sửa chữa, thông tin từ Ban QLDA 3 cho biết, từ trước đến nay đều do nhà thầu chi trả vì vẫn trong thời gian bảo hành. Trong lần sửa chữa này, kết cấu bê tông nhựa đã có thay đổi, sử dụng thành phần hạt to hơn so với trước đây. Ngoài ra, quy trình thi công đã sử dụng thêm lu rung. Trong quá trình triển khai thực tế sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ thi công, các thành phần cấp phối, hàm lượng nhựa…

Theo QĐND

 

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: vland@vietnamnet.vn