Giá nhà liền thổ cao ngất ngưỡng

Có thể nói, thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến làn sóng tăng giá mới. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bước sang năm 2022, thị trường nhà đất TP.HCM đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ và biệt thự hạng sang. 

Một số dự án nhà liền thổ tập trung ở TP.Thủ Đức vừa được tung ra thị trường với mức giá cao ngất ngưởng khiến cho không ít nhà đầu tư choáng váng. 

Đơn cử như dự án quy mô 117ha tại P.An Phú, TP.Thủ Đức (Q.2 cũ). Tại sự kiện ra mắt mới đây, chủ đầu tư dự án công bố mức giá dự kiến từ 38 tỷ đồng/căn cho các sản phẩm tại phân khu nhà phố thương mại. Diện tích đất mỗi căn gần 100m2, giá nhà liền thổ tại dự án đã xấp xỉ 400 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế VAT. 

{keywords}
Giá nhà liền thổ tại TP.HCM liên tục lập đỉnh mới. 

Một dự án biệt thự có số lượng giới hạn khác tại TP.Thủ Đức cũng được một chủ đầu tư công bố trước đó với giá trên dưới 100 tỷ đồng/căn. Nguồn cung chỉ 13 sản phẩm nên dự án được bán hết trong thời gian ngắn. 

Hay gần đây, chủ đầu tư một dự án ven sông Sài Gòn ở P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức tung ra thị trường 27 căn biệt thự và shophouse với giá bán lần lượt là 160 tỷ đồng/căn và 60 tỷ đồng/căn. 

Nhìn chung, giá bán nhà liền thổ tại một số dự án nói trên không chỉ khiến giới đầu tư mà ngay cả môi giới trong ngành không khỏi bất ngờ. Tuy vậy, nếu xét về các yếu tố như vị trí đắc địa, nguồn cung hạn chế và tiện ích nội khu thì giá bán trên được cho là có cơ sở. 

Chủ một sàn giao dịch tham gia phân phối nhà phố thương mại tại dự án ở P.An Phú cho biết, sàn của ông chỉ được chủ đầu tư phân bổ 5 căn. Khách có nhu cầu mua phải đặt tiền giữ chỗ 100 triệu đồng. Tuy nhiên, rổ hàng có giới hạn nên sàn phải tổ chức bốc thăm. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định, kết quả đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xem là yếu tố chính tác động đến giá nhà đất trên phạm vi toàn TP.HCM. Mặc cho các doanh nghiệp trúng đấu giá đã có động thái bỏ cọc nhưng không vì thế mà giá đất giảm nhiệt, thậm chí giá bán một số dự án mới liên tục phá đỉnh. Làn sóng tăng giá không chỉ xảy ra ở các dự án mới tung ra thị trường mà ngay cả ở thị trường thứ cấp. 

Như nhà phố trên đường Nguyễn Cơ Thạch, TP.Thủ Đức, trước đây có giá bán 35 tỷ đồng/căn thì nay đã vọt lên 45 – 47 tỷ đồng/căn. Giá căn hộ chung cư hạng sang ở khu vực này cũng đang được giao dịch ở mức 180 triệu đồng/m2 đến 220 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí. 

Nguy cơ ‘bong bóng’ bất động sản quay trở lại 

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), sau khi có kết quả đấu giá, thực tế, giá đất nhà đất trên địa bàn TP.Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây. Có thông tin một số chủ đầu tư “té nước theo mưa”, dừng bán hàng để chờ cơ hội tăng giá bán.

Chủ tịch HoREA quan ngại, giá trúng đấu giá đất Thủ Thiêm quá cao sẽ tác động tiêu cực đến tất cả phân khúc bất động sản, theo hiệu ứng “bình thông nhau”. Điều này sẽ gây trở ngại cho mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại. Hiện tại, ở TP.HCM gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá 30 triệu đồng/m2. 

Giá đất quá cao thoát ly khỏi giá trị thực, không phù hợp với quy luật cung – cầu và thực tiễn của thị trường có thể trở thành con dao hai lưỡi. Vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn”, ông Châu nói. 

Các chuyên gia cho rằng, trước thực trạng nguồn cung nhà ở khan hiếm, thị trường đang có dấu hiệu “nóng” lên. Nếu các chủ đầu tư liên tục đẩy giá lên cao sẽ gây nguy hiểm cho toàn thị trường, dễ khiến “bong bóng” bất động sản quay trở lại. 

“Những dự án mới mở bán có giá cao chót vót không phản ánh đầy đủ sức khoẻ của toàn thị trường. Một thị trường bền vững phải có sự cân đối giữa cung và cầu. Trong khi giá bất động sản hạng sang liên tục phá đỉnh thì nhà ở vừa túi tiền dường như đã mất hút”, chủ một doanh nghiệp BĐS tại TP.Thủ Đức chia sẻ.  

Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, so với năm trước, nguồn cung nhà ở trên địa bàn Thành phố cả năm 2021 đã giảm 35,48%. Cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và nhu cầu an sinh xã hội. Bởi theo nhu cầu thực tế, phân khúc căn hộ bình dân phải chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng thời gian qua phân khúc này giảm từ 1% xuống còn 0%. 

Phân khúc căn hộ trung cấp tiếp tục giảm từ 59,6% xuống còn 26%. Trong khi đó, phân khúc căn hộ cao cấp lại tăng mạnh, từ 42% lên 74%. Đây là biểu hiện của sự lệch pha cung – cầu và chỉ dấu về một thị trường thiếu bền vững.

Trong năm 2021, TP.HCM có 20 dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô 14.443 căn nhà. Chỉ có 1 dự án hoàn tất xây dựng, cung ứng 528 căn nhà. 
Nhiều dự án bị rà soát, điều tra ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở TP.HCM

Nhiều dự án bị rà soát, điều tra ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở TP.HCM

Ngoài việc các chủ đầu tư mất nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ đầu tư, tình trạng nhiều dự án đang trong quá trình rà soát pháp lý, thậm chí bị điều tra, đã ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở.

Anh Phương