Không phải lần đầu đổ trụ cổng trường học

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi tới tất cả UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình sau sự cố sập đổ cổng Trường tiểu học Khánh Yên Thượng ngày 7-9 đè chết 3 học sinh tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Về sự cố sập cổng trường làm chết học sinh, Bộ Xây dựng nhấn mạnh đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố đổ trụ cổng trường học, đặc biệt là các công trình sử dụng trụ cổng độc lập.

{keywords}
Cổng trường Tiểu học Khánh Yên Thượng ở bản Phung (Lào Cai) đổ đè 3 học sinh tử vong.

Bộ Xây dựng cho biết, những ngày qua đoàn công tác của Bộ Xây dựng và cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá sơ bộ chất lượng xây dựng cổng trường bị đổ sập.

Kết quả cho thấy cột trụ đỡ cổng được xây bằng gạch, tiết diện 50 x 50cm, móng trụ cổng nông, không có tường rào, không được thiết kế để chịu tác động đu bám. 

Ghi nhận của Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho thấy, các đơn vị tư vấn khi thiết kế các trụ cổng xây gạch độc lập làm trụ đỡ cánh cổng bản lề quay thường coi hạng mục này là một kết cấu công xôn ngàm vào đất, chịu tác động của thành phần lực đúng tâm (bao gồm trọng lượng của trụ và của cánh cổng), bỏ qua thành phần lực lệch tâm tác dụng lên trụ và hoạt tải bất thường.

“Trong khi đó, thành phần lệch tâm là yếu tố chủ yếu gây ra sự mất an toàn cho trụ cổng. Đặc biệt, đối với các công trình trường học sử dụng trụ cổng bằng gạch nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn do tính hiếu động của học sinh. Vì vậy, việc rà soát, kiểm tra, tính toán cấu tạo của các trụ cổng xây gạch để đảm bảo an toàn chịu lực và khai thác, sử dụng là cần thiết”, Bộ Xây dựng nêu rõ.

Kiểm tra toàn bộ trụ cổng trường học

Từ thực tế và ghi nhận đánh giá trên, Bộ Xây dựng yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra, tính toán cấu tạo của các trụ cổng bằng gạch, bảo đảm an toàn trong sử dụng.

Đối với các trụ cổng trường học xây bằng gạch, tiến hành kiểm tra trụ cổng, trường hợp phát hiện dấu hiệu nguy hiểm phải gia cố ngay, cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.

Kiểm tra bằng trực quan địa hình xung quanh, khảo sát bề mặt bên ngoài các trụ cổng để xác định các dấu hiệu mất an toàn như nghiêng, lún, nứt, vỡ phần thân trụ; có hiện tượng ẩm, mủn gạch vữa; bản lề cửa không liên kết chắc chắn với trụ gạch.

Để đảm bảo an toàn cho các công trình cổng trường học, Bộ Xây dựng khuyến cáo nếu tiết diện cột chỉ 450 x 450mm, cánh cổng có bề rộng tối đa 2m, nặng dưới 85kg là phù hợp; cột cổng tiết diện 500 x 500mm, cánh cổng hẹp hơn 2,5m, nhẹ hơn 100kg là phù hợp. Các cột cổng bằng gạch có cánh rộng hơn 2,5m, hoặc nặng hơn 100kg phải tính toán lại độ an toàn.

Áp dụng kiểm tra bằng các biện pháp rung, lắc, đẩy nhẹ để xác định tình trạng trụ cổng khi chịu tải trọng bất thường.

Đối với những cổng trường dự kiến xây mới, phải tăng cường giám sát năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng. Các đơn vị thiết kế trường học phải sử dụng giải pháp nền móng và kết cấu phù hợp như móng bê tông cốt thép, trụ bê tông cốt thép kết hợp xây gạch để bảo đảm an toàn.

Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo các địa phương thiết kế cổng có cánh dạng đẩy ngang hoặc bản lề quay có bánh xe.

Các trường học lưu ý công tác quản lý, giám sát học sinh trong và ngoài giờ học, ngăn chặn hiện tượng đu, bám lên cánh cổng, tường rào hoặc lại gần công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Thuận Phong

Vụ cổng trường đổ đè chết 3 học sinh ở Lào Cai, chủ đầu tư là ai?

Vụ cổng trường đổ đè chết 3 học sinh ở Lào Cai, chủ đầu tư là ai?

Cổng trường đổ đè chết 3 học sinh ở điểm Bản Phung được xây dựng từ tiền xã hội hóa, do UBND xã làm chủ đầu tư. Chủ tịch xã cho biết: "Theo thiết kế, việc xây dựng bằng cách đào 2 hố và xây gạch và vữa lên".