Khách hàng không phải thông qua kênh trung gian là các sàn địa ốc mà có thể tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư, rút ngắn trung gian, giảm chi phí.

LTS: Nhà, đất là tài sản có giá trị lớn và việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… cần tuân thủ chặt chẽ các quy định. Trên chuyên mục “Bạn muốn xây, mua nhà”, Pháp Luật TP.HCM sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những nội dung quan trọng của hai luật liên quan đến nhà, đất là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2006, chủ đầu tư phải bán hàng qua sàn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề môi giới địa ốc, tăng tính minh bạch, tạo trật tự, quy củ cho thị trường BĐS. Đến khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực (từ 1-7-2015), yêu cầu “mọi giao dịch nhà đất phải qua sàn” bị bãi bỏ.

Các sàn chu đáo hơn

Với quy định mới này, người mua nhà được tự lựa chọn giao dịch qua trung gian là các sàn địa ốc hoặc tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư. Từ đó, người tham gia giao dịch bỏ được khâu trung gian, phí môi giới giảm xuống, tránh đưa ra thông tin thiếu trung thực và đổ lỗi lẫn nhau, quá trình giao dịch trực tiếp nhanh chóng hơn.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS L&L, cho biết phần lớn các giao dịch nhà đất qua sàn được thực hiện trong thời gian trước đây chỉ là hình thức. Không bắt buộc phải giao dịch nhà đất qua sàn đã tạo động lực để nghề môi giới địa ốc được sàng lọc lành mạnh. Hiện tại, các đơn vị môi giới đều đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, hoạt động chuyên nghiệp hơn, có nhiều thương hiệu uy tín để người mua nhà chọn lựa.

Anh Trần Mạnh Tấn (quận 12, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi mới mua được căn hộ ưng ý qua sàn giao dịch của chính chủ đầu tư. Nơi đây đã tư vấn chu đáo, thông tin công khai, cập nhật liên tục tiến độ dự án để khách hàng tường tận”.

{keywords}

Người dân đến tìm hiểu mua nhà tại một đơn vị địa ốc ở TP.HCM. Ảnh: QH

Phải bảo vệ người tiêu dùng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá: “Điểm bất hợp lý của quy định cũ là chủ đầu tư bỏ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để làm dự án nhưng lại phải thông qua sàn mới được bán. Trong khi đó, sàn giao dịch không đầu tư vẫn được hưởng lợi (ít nhất là 2% tổng doanh thu). Thậm chí có sàn còn ém thông tin hay thêm mắm dặm muối nhằm bán hàng cho nhanh. Rõ ràng quy định mới của Luật Kinh doanh BĐS 2014 tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các sàn giao dịch, giúp các sàn hoạt động đúng chức năng và công bằng hơn”.

Cũng theo ông Châu, sàn giao dịch BĐS chỉ nên là một kênh lựa chọn của người mua nhà và chủ đầu tư dự án. Vì thế, những sàn tồn tại buộc phải nâng cấp về năng lực cũng như uy tín, trong đó có cả chức năng bảo vệ người tiêu dùng.

...

Công khai thông tin về bất động sản

Doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS có trách nhiệm công khai thông tin về BĐS theo ba hình thức: Tại trang thông tin điện tử của DN; tại trụ sở ban quản lý dự án đối với các dự án đầu tư kinh doanh BĐS; tại sàn giao dịch BĐS đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch BĐS.

Nội dung thông tin về BĐS bao gồm: Loại BĐS; vị trí; thông tin về quy hoạch; quy mô; đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng. Đồng thời, phải thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư; thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan.

Ngoài ra còn phải thông tin hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng BĐS; hợp đồng bảo lãnh…; các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng (nếu có); giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua.

(Theo Điều 6 Luật Kinh doanh BĐS 2014)

20 tỉ đồng là vốn pháp định tối thiểu dành cho tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập DN hoặc hợp tác xã (gọi chung là DN). Riêng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập DN nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

(Theo Điều 10 Luật Kinh doanh BĐS 2014)

Theo Báo Pháp luật