-Tại dự án nhà ở xã hội Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), dù chỉ có khoảng 100 căn hộ bán cho đối tượng thu nhập thấp nhưng có tới hơn 400 hồ sơ.

Vừa bốc thăm, “cò” đã xuất hiện gạ mua chênh

Sáng 17/9, tại công trường dự án nhà ở xã hội Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 tổ chức bốc thăm quyền mua nhà cho hàng trăm khách hàng.

Ghi nhận tại dự án, dù chỉ có khoảng 100 căn hộ bán cho đối tượng thu nhập thấp nhưng có tới hơn 400 hồ sơ. Như vậy, tỷ lệ chọi tại dự án sẽ ở mức cao. Với tỷ lệ bốc chọn như vậy nên nhiều người tỏ ra lo lắng căng thẳng.

Phía Cty Handico 5 cho biết, thủ tục bốc thăm căn hộ tuân thủ quy định nghiêm ngặt và rất công bằng. Chỉ có người đứng tên đăng ký trong hồ sơ được vào phòng bốc thăm. Nắm bắt được nhu cầu lớn của người dân không ít sàn giao dịch đã cò mồi cho khách bốc trượt.

{keywords}

Dự án nhà ở xã hội Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là dự án nhà ở xã hội duy nhất được triển khai ở Hà Nội từ đầu năm 2016.

Anh Việt (Mễ Trì – Nam Từ Liêm) cho biết, ngay tại dự án khi vừa bốc trượt căn hộ anh đã được “cò” mồi mua lại suất với mức chênh 120 triệu và khẳng định được vào tên chính chủ. Không chỉ anh Việt mà rất nhiều khách hàng khác cũng nhận được lời mời chào của nhân viên các sàn giao dịch.

Trong ngày 20/9, cũng xuất hiện nhiều thông tin bán căn hộ tại dự án nhà ở xã hội này. Mức tiền chênh được đưa ra từ 130 – 200 triệu đồng/căn cùng khẳng định vào tên đúng hợp đồng.

Tuy nhiên, phía Cty Handico 5 cho biết, sổ đỏ chủ đầu tư cấp cho chủ nhà sau 5 năm mới được phép sang tên. Trong quá trình đó, người mua sẽ chịu thiệt nếu như bên bán ép giá và không giao sổ đỏ. Chủ đầu tư cũng đưa ra lời cảnh báo người dân không nên tin lời cò vì mua lại nhà ở xã hội trước 5 năm là trái pháp luật.

Nhà ở xã hội chậm triển khai

Theo đánh giá của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm đến nay có rất ít dự án nhà ở xã hội được khởi công mới. Cụ thể, tại Hà Nội có duy nhất dự án nhà ở xã hội tại Minh Khai, quận Hai Bà Trưng do Cty CP Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư. Đây là dự án nhà ở xã hội duy nhất được triển khai ở Hà Nội từ đầu năm 2016 trong khi nhu cầu của người dân quá cao.

Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai chậm nhà ở xã hội là do nguồn vốn hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa được triển khai (trong khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã kết thúc cho vay).

Không riêng gì các dự án nhà ở xã hội, các căn chung cư thương mại diện tích nhỏ có giá dao động trên dưới 1 tỷ đồng vẫn được nhiều khách hàng săn đón ráo riết. Tuy nhiên, những sản phẩm loại này người mua vẫn phải “đỏ mắt” tìm. Thậm chí, không ít dự án tại nhiều khu vực khách hàng phải bỏ ra khoản tiền chênh vài chục đến trăm triệu. Như các dự án tại khu vực Linh Đàm, tùy vị trí và diện tích có giá chênh dao động từ 70-150 triệu.

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc phụ trách kinh doanh Dự án Tứ Hiệp Plaza (Thanh Trì, Hà Nội) thừa nhận, tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô, Dự án Tứ Hiệp Plaza là dự án duy nhất chuẩn bị mở bán có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành phần móng bằng vốn tự có.

Theo ông Quỳnh, đối tượng mua nhà giá rẻ hiện nay dù lớn nhưng đa số vẫn trông chờ vào những gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn, bởi đây đều là những người có thu nhập thấp và trung bình, có lượng vốn tiết kiệm không cao. Vì thế, khi chính sách hỗ trợ không ổn định, các dự án thuộc phân khúc này sẽ rất khó khăn trong bán hàng. Việc phát triển dự án nhà bình dân cho số đông khách hàng vì thế, vẫn như một “canh bạc” với doanh nghiệp địa ốc.

Trong khi phân khúc cao cấp được ghi nhận thanh khoản tốt nhưng cũng đang được cảnh báo về dấu hiệu dư cung. Còn nhu cầu về bất động sản giá rẻ cao nhưng lại rất ít sự lựa chọn. Điều này khiến nhiều người đặt ra lo ngại thị trường bất động sản đi vào vết xe đổ trước đây và liệu phân khúc nhà ở giá rẻ có đang bị “ghẻ lạnh”?

Hồng Khanh