Chủ đầu tư dự án là công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C tái khởi động vào quý 1/2016. Tuy nhiên, do tình hình tài chính hết sức khó khăn, đến nay dự án này vẫn được xem là một "vết đen" trong bức tranh đô thị tại trung tâm thành phố.

Nằm ở vị trí đắc địa với quy mô cao 42 tầng (cao 195 m), hứa hẹn sẽ là một trong những công trình cao, đẹp nhất TP.HCM nhưng sau khi đã hoàn thành phần thô, gần 3 năm qua, mọi người qua lại đều thắc mắc vì sao công trình vẫn nằm trơ.

Saigon One Tower (tên cũ là Saigon M&C Tower) nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1) do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (Sài Gòn M&C) làm chủ đầu tư, có tổng vốn lên tới 256 triệu USD. Dự án khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011.

{keywords}


Thiết kế dự án là tòa văn phòng và căn hộ hạng A. Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công. Ngoài ra, còn có các tên tuổi lớn như DP Architects của Singapore (thiết kế kiến trúc), Cisco Systems của Mỹ (tư vấn hệ thống mạng quản lý tòa nhà). Căn hộ từng chào bán với giá khoảng 7000 USD/m2.

Dù vậy, sau khi xây dựng phần thô thì dự án đã dừng thi công, “trơ xương” từ cuối năm 2011 cho đến nay. Nguyên nhân là do thiếu vốn dẫn đến nhà thầu ngừng thi công. Điều đáng chú ý là dự án sử dụng chủ yếu vốn vay nên dù ngừng thi công vẫn phải nợ ngân hàng với chi phí lãi ước tính trên 1 tỉ đồng/ngày.

Được biết, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C gồm các cổ đông: Công ty Cổ phần M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%).

Tại Đại hội cổ đông thương niên năm 2016 mới đây của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết theo định hướng chiến lược dài hạn, PNJ sẽ dần thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành để tập trung toàn lực vào năng lực lõi.

Theo đó, trong năm 2015 PNJ đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (2,62 triệu cổ phần, 65,4 tỉ đồng). Mặc dù không đem lại lợi nhuận như dự kiến nhưng cũng góp phần mang lại dòng tiền nhằm bổ sung kịp thời cho nguồn vốn lưu động.

Còn nhớ, vào tháng 3/2015, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra TPHCM làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.

Nếu quá thời gian nêu trên mà dự án chưa hoàn thành, Sở Xây dựng TP báo cáo đề xuất trình UBND TP có biện pháp chế tài cụ thể theo đúng quy định pháp luật.

Tiếp đó, vào tháng 11/2015 chủ đầu tư dự án cao ốc Saigon One Tower đã bị Cục Thuế TP.HCM thông báo phong tỏa hóa đơn vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỉ đồng.

Dự án này đã phải "đắp chiếu", nằm chình ình giữa trung tâm thành phố gần 5 năm nay trên một khu đất vàng mà mọi doanh nghiệp BĐS nào cũng đều mơ ước được sở hữu. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu chủ đầu tư huy động được ở đâu thêm vốn để tiếp tục hoàn thiện dự án trong thời gian tới theo yêu cầu nhiều lần của UBND Tp.HCM.

Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong bối cảnh công ty M&C đang nợ “ngập đầu” bởi các khoản vay từ nhiều đối tác trong và ngoài nước, các nhà đầu tư tiềm năng cũng rất quan ngại khi muốn rót vốn vào đây, nhất là trong tình hình toàn bộ nhà băng phải siết chặt vốn vào BĐS.

Một giải pháp hữu hiệu nhất là thành phố có khả năng sẽ cho chủ đầu tư tiếp tục gia hạn các khoản nợ thuế, tiền sử dụng đất hiện nay và thay đổi thiết kế căn hộ từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ, thì mới giúp dự án này sớm “hóa kiếp”.

Theo Trí thức trẻ