- Các hãng taxi cũng như các phương tiện công cộng nên thay đổi cách phục vụ tốt hơn, trong đó có cả nhạc trong xe thay vì để tài xế "tra tấn" khách.

Giả sử bạn còn trẻ, đi với người yêu, cả hai cùng vui vẻ, ăn uống, vào bar làm vài chén, thề non hẹn biển, vui chưa từng thấy. Rồi đêm muộn về bằng taxi.

Anh lái xe taxi lịch sự hỏi, anh chị về đâu ạ. Dạ, cuối đường Âu Cơ. Nhưng xe chuyển bánh trong tiếng nhạc não nề như có đám ma của Chế Linh “Nếu mai anh chết em có buồn không/ Sao em không đến khi anh còn sống”, thì hai khách trẻ nhìn nhau.

Ừ nhỉ, mình mà chết thì đứa bên cạnh có buồn không. Lòng nghi ngờ tăng dần khi nghe đến câu “Lỡ mai anh chết em khóc nhiều không/ Sao không âu yếm khi anh còn sống/ Cho anh không còn nghĩ đời tuyệt vọng”, ban nãy muốn thể hiện tình cảm cô ấy lại đẩy ra.

Nhìn mặt gian gian, mình chết có khi “nó” mừng vì có anh khác giàu có, đẹp trai đang theo đuổi. Hay ra cầu Nhật Tân nhảy thử xem “nó” có can không? Cuộc tình đang đẹp bỗng nhạc taxi phá hỏng cảm xúc.

 {keywords}
Các hãng taxi nên thay đổi trong cả cách phục vụ nhạc cho khách. Ảnh minh họa

Có thể anh tài đang buồn hoặc đơn giản thích nhạc vàng. Ngày đêm sau tay lái biết bao oan trái, vay trả góp cái taxi mua của hãng, giá bên ngoài 400 triệu, thêm logo, bộ đàm, vài dịch vụ khác, đội lên 500 triệu. Tiền vay nóng, đến hạn phải trả, tháng rồi mấy lần bị lực lượng chức năng “chào hỏi”. Người yêu ở quê nhắn, năm nay không cưới thì có lẽ em khó đợi. V.v và v.v...

Nhạc Chế Linh rất hợp cảnh, hợp tình, nhưng chỉ khi lái xe một mình. Có thêm một đôi đang yêu, đang hạnh phúc, thì đó là nhạc chia lìa.

Khách nhận tin mẹ mất đột ngột, vội bắt taxi về quê cách nhà hàng trăm km. Dọc đường nhạc vui “Happy Birthday – Chúc mừng sinh nhật”, “Happy New Year”, “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” được cất lên.

Tưởng tượng có anh Tây đi xe mà nhét vào tai họ “mưa nhạt, mưa nhòa, mưa đổ trên cây” thì không hiểu sẽ ra sao. 

Tài xế taxi chọn nhạc mình thích và ngầm định khách cũng thích, không nghe thì... bịt tai lại. Hiện có khoảng 60.000-70.000 taxi gồm cả Grab ở Hà Nội và TP. HCM, chưa kể các phương tiện công cộng khác, mỗi ngày chuyên chở cả triệu khách thưởng thức nhạc kiểu “ép duyên”.

Cuối tuần trước tôi đưa hai con đi chơi phố, ăn uống, rất vui vẻ, khuya đi taxi về nhà. Vừa mở cửa xe, giọng Chế Linh vang lên não nề như đưa đám “Còn một mình, một mình bước đơn côi/ Và từ đây tôi xin lạy người đời/ Đừng hẹn hò và đừng gặp gỡ trong tôi.”

Hai ông con ở Mỹ về chơi, không biết tiếng Việt, chẳng hiểu bài hát nói gì, liền hỏi, bố ơi, sao có nhạc đám ma trong taxi. Tôi giải thích cho lái xe.

Anh taxi thú thật, bọn em toàn nghe nhạc vàng cho đỡ buồn. Thấy bạn có file MP3, copy của nhau, cứ thế lây lan từ taxi này sang taxi khác, từ hãng này sang hãng khác, khách có cảm giác nhạc trong xe giống nhau một cách kỳ lạ.

Thấy bạn lái xe thân thiện, tôi bảo, người ta trả tiền thì mình nên phục vụ như trong nhà hàng ăn uống, mang đồ ăn khách muốn gọi hơn là "nhét vào miệng" khách những gì nhà hàng đang có.

Anh bảo tôi, cháu chả biết khách thích nghe gì nên cứ bật đại thôi. Tôi bảo, nếu đi xa xa, hỏi khách muốn nghe loại nhạc gì, họ sẽ cảm giác như thượng đế, vui thì típ khá đấy. Quãng đường ấy biết đâu nên duyên cho cả hai, lần sau khách thuê tiếp.

Tôi bảo, chọn nhạc không lời là cách hay. Nhạc của Clayderman, Paul Mauriat, piano, guitar hòa tấu, bài Việt cho người Việt càng hay. Lời hát dễ làm người ta liên tưởng, đúng tâm trạng không sao nhưng đang vui mà bật nhạc vàng  thì quả là không nên.

Để chứng minh, bảo lái xe tắt nhạc, tôi lấy iPhone bật những bản hòa tấu guitar về Hà Nội. Anh cảm ơn rối rít, cháu biết loại nhạc này, nhưng chả bao giờ nghĩ như bác cả. Đó là vì anh chưa đặt mình vào địa vị của khách.

Hai chúng tôi chuyện rất vui, nhoáng đã tới nhà. Khi trả tiền là 72 nghìn, đưa 80 nghìn, anh trả lại tiền thừa. Tôi bảo, cảm ơn anh đã nghe và tôi trả học phí hộ đấy.

Các hãng taxi cũng như các phương tiện công cộng nên thay đổi cách phục vụ cho tốt hơn, trong đó có cả nhạc trong xe thay vì để tài xế "tra tấn" khách.

Hy vọng lên xe không phải nghe lời ca não nề không hợp với tâm trạng đôi trẻ đang yêu “Lỡ mai sau em mất người yêu/ Em khổ thật nhiều/ Ngày mai trên đường phố này/ Những đêm khuya có anh đưa về xóm nhỏ”.

Hiệu Minh