Đã đến lúc các ông bố, bà mẹ Việt Nam cần hiểu về quyền con người để thay đổi cách nghĩ, cách áp đặt con cái dưới danh nghĩa chữ Hiếu.

Xưa nay xã hội Việt Nam vốn coi trọng chữ hiếu, những tấm gương hiếu thuận với ông bà, cha mẹ luôn được đề cao; không may nếu ai vướng vào thị phi bất hiếu thì kiểu gì các mối quan hệ xã hội khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Gần như là một mặc định, con cái luôn luôn phải hiếu thuận với ông bà, cha mẹ như một cách để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Không chỉ là việc phụng dưỡng cha mẹ khi về già mà nhiều khi khái niệm hiếu thuận còn bao gồm cả việc phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, chấp nhận mọi sự đặt để của cha mẹ kể cả trong những vấn đề thuộc về cá nhân của mỗi người.

Không hiếm các bậc bề trên luôn dùng chữ hiếu như một mệnh lệnh tối thượng áp đặt lên con cái, không ít những đứa con chẳng hiểu nghĩ gì về chữ hiếu mà nhắm mắt tuân lời cha mẹ, bất chấp cả hạnh phúc, tương lai.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, một người mẹ ở một tỉnh miền Tây đã ép hai đứa con gái vị thành niên trở thành công cụ kiếm tiền. Ngay cả khi đã đứng trước vành móng ngựa, người mẹ đó vẫn cho rằng các con do mình sinh ra thì việc trả hiếu theo cách đó cũng là bình thường, và việc con và chồng cũ tố cáo dẫn đến bà ta phải đi tù mới là điều đáng oán trách.

{keywords}

Một số cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc đã bị đối xử tệ hại nơi xứ người và bị giết chết. Nạn nhân Thạch Thị Hồng Ngọc bị người chồng Hàn Quốc Jang đánh chết ngày 7-7-2010 - Ảnh: TTO

Nhưng cũng có không ít những cô gái thành niên, được học hành nhưng cũng vì một chữ hiếu mù quáng mà chấp nhận đẩy cuộc đời mình vào ngõ cụt không lối thoát, thậm chí phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.

Mỗi năm, có hàng trăm, hàng ngàn cô gái ở các vùng nông thôn  lấy chồng nước ngoài mong thoát nghèo. Tôi từng chứng kiến một vụ môi giới kết hôn trái phép xảy ra ở quận Tân Bình, TPHCM hơn 10 năm về trước.

Giờ đây, những vụ việc như vậy vẫn tiếp diễn, có kín đáo hơn, có tinh vi hơn nhưng bản chất của sự chà đạp nhân phẩm phụ nữ thì vẫn không thay đổi. Mà lạ một điều, ngày đó khi bị phát hiện và giải thoát, thay vì vui mừng thì hầu hết các cô gái lại buồn rầu oán trách vì lỡ một cơ hội đổi đời, cơ hội giúp đỡ gia đình thoát nghèo. 

Tôi cũng đã từng gặp những ông bố bà mẹ có con lấy chồng nước ngoài. Hầu hết họ đều coi đó là chuyện bình thường. Những vất vả khó khăn của con gái được họ cho là lấy chồng rồi phải theo lệ nhà chồng cũng là điều đương nhiên.

Con cái không thể lựa chọn cha mẹ để sinh ra, nhưng chắc chắn cha mẹ đã lựa chọn để đứa con của mình chào đời. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng dạy bảo con cái cho đến khi chúng đến tuổi trưởng thành, tự lập, có trách nhiệm với bản thân và hoàn thành trách nhiệm với thế hệ sau của chúng.

Đã đến lúc các ông bố, bà mẹ Việt Nam cần hiểu về quyền con người để thay đổi cách nghĩ, cách áp đặt con cái dưới danh nghĩa chữ Hiếu.

Hãy dạy cho những đứa trẻ từ thủa lên ba rằng chúng sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình sau này và hãy để cho chúng thật sự tự quyết định trước mỗi lựa chọn khi chúng đã đến tuổi thành niên như luật pháp quy định, cha mẹ có chăng chỉ nên góp ý mà thôi. Cho con một nền tảng kiến thức, một nền tảng giáo dục, một giá trị nhân văn về gia đình, về văn hóa, xã hội trong suốt 18 năm đầu của cuộc đời rồi thì hãy tự tin rằng con mình sẽ vững vàng trước mọi quyết định của cuộc đời. Bởi bạn tạo ra một đứa con nhưng bạn không thể sống thay chúng được.

Hãy để cho con bạn sống cuộc đời của chính nó.

Đan Hà