Ký ức dần được gợi lên khi tôi đặt chân đến Bảo tàng sóng thần của Aceh và di tích chiếc thuyền trên mái nhà…

>> Một thoáng Đà Lạt ở… Indonesia

Tôi đến thành phố Banda Aceh của tỉnh Aceh, đảo Sumatra, Indonesia, một ngày tháng 5. Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, thành phố Hồi giáo này nằm yên bình như bao thành phố khác. Nhưng chứa đựng trong nó là một câu chuyện đau thương của gần 13 năm về trước...

Ký ức đó dần được gợi lên khi tôi đặt chân vào Bảo tàng sóng thần của Aceh (Aceh Tsunami Museum) – công trình tưởng nhớ thảm họa sóng thần khủng khiếp năm 2004. 

{keywords}

Bảo tàng sóng thần của Aceh (Aceh Tsunami Museum). Ảnh: Mỹ Hòa

Bảo tàng 4 tầng rộng 2.500 m2 này khởi công năm 2006 và khánh thành năm 2009. Từ đó đến nay nó đã thu hút rất nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế.

Sau khi đăng ký thăm bảo tàng, chúng tôi bước vào một hành lang chật hẹp, tối tăm giữa hai bức tường cao phun nước – tái hiện lại âm thanh và cơn hoảng loạn của trận sóng thần…

{keywords}

Một phòng trưng bày hình ảnh của thảm họa. Ảnh: Mỹ Hòa

Đó là một buổi sáng ngày 26/12/2004, trận động đất lên đến 9,1 độ richter ngoài khơi Ấn Độ dương đã đẩy hàng triệu tấn nước biển di chuyển về phía bờ với một tốc độ kinh hoàng.

Không có con số chính xác thiệt hại về người, nhưng người ta ước tính trận sóng thần tràn qua hơn 10 quốc gia này đã giết chết trên 230 nghìn người. Theo một thống kê, trong thế kỷ 20 chỉ có 3 thảm hoạ thiên nhiên có số người thiệt mạng nhiều hơn, đó là trận lũ lụt ở Trung Quốc năm 1931, xoáy lốc Bhola ở Bangladesh năm 1970, và trận động đất tại Trung Quốc năm 1976.

Tỉnh Aceh, nằm ngay ở mũi phía bắc của đảo Sumatra, Indonesia, nơi gần tâm chấn, hứng những ngọn sóng thần đầu tiên và gánh chịu hậu quả tàn khốc nhất. Những cơn sóng cao đến 30 m đã cướp đi sinh mạng gần 127.000 người, hơn 95.000 người mất tích, 500.000 người mất nhà cửa cùng 750.000 người rơi vào tình trạng thất nghiệp, hoảng loạn và trầm cảm, theo con số của Cơ quan Tái thiết vùng Aceh và Nias (BRR)[1].

{keywords}

Cảnh tượng một góc Banda Aceh sau thảm họa. Ảnh: US Navy

Tại nhiều khu dân cư, cấu trúc duy nhất còn trụ lại được là Thánh đường Hồi giáo và nhiều người được cứu mạng khi trú trong đây. Trên báo chí, một chuyên gia kiến trúc tại Banda Aceh cho hay, có ít nhất 27 Thánh đường trong thành phố sống sót trong trận sóng thần.

{keywords}

Hình ảnh những khu dân cư bị cuốn trôi hết, chỉ còn lại Thánh đường Hồi giáo được tái hiện tại bảo tàng. Ảnh: Mỹ Hòa

Hầu hết nạn nhân khi ấy đều hoàn toàn bất ngờ; không hề có hệ thống cảnh báo sóng thần nào trên Ấn Độ Dương để phát hiện sóng thần, hay cảnh báo cư dân đang sống trên bờ. Khu vực này tương đối ít có sóng thần, mặc dù động đất vẫn thường xảy ra tại Indonesia. Cơn sóng thần lớn gần nhất được ghi nhận vào năm 1883 khi núi lửa Krakatoa thức giấc.

Cư dân ven Thái Bình Dương đã quen với sóng thần và thường nhận ra hiện tượng này để chạy vội lên các vùng đất cao. Ngược lại, hầu hết người Indonesia ở vùng ven Ấn Độ Dương, nơi hiện tượng này hiếm xảy ra, không có kinh nghiệm ứng phó. Một người dân ở Banda Aceh cho tôi biết, khi sóng dữ ập xuống đầu, họ còn không hề có ý niệm là chuyện gì đang xảy ra.

{keywords}

Bảng đề tên, cờ của các quốc gia tham gia cứu trợ Aceh sau thảm họa

Một địa điểm lưu giữ ký ức khác mà tôi đến thăm là di tích chiếc thuyền trên mái nhà. Trận sóng thần của gần 13 năm về trước đã cuốn một số chiếc thuyền chồm lên mái các ngôi nhà, và đây là một trong số đó. Câu chuyện kể rằng như một phép màu, gần 60 người trú trên nó đã được cứu sống.

{keywords}
{keywords}

Di tích chiếc thuyền trên mái nhà. Ảnh: Mỹ Hòa

Giờ đây người ta bảo tồn nó như một chứng tích. Ở tầng 1 ngôi nhà là danh sách dài những nạn nhân thiệt mạng trong trận sóng thần. Cô gái làm hướng dẫn viên ở đây chỉ vào tên 9 người đầu tiên: Đây là những người thân của tôi đã mất khi ấy. Rất nhiều người phải trải qua nỗi đau như cô.

{keywords}

Hình ảnh chiếc thuyền sau thảm họa sóng thần 2004. Ảnh: Boston

Những năm sau thảm họa, các biện pháp cảnh báo, đối phó sóng thần đã dần được thiết lập. Aceh đưa ra một chương trình ứng phó sóng thần. Các tháp cảnh báo sóng thần được đặt xung quanh thành phố Banda Aceh. Ngoài ra là các tháp sơ tán được xây dựng – cao vài tầng, có khả năng chống chịu  tác động của nước, có sân bay trực thăng trên đỉnh – để người dân có thể chạy vào khi có cảnh báo sóng thần, v.v… Ngay tại Bảo tàng sóng thần Aceh cũng có một khu vực sơ tán ở tầng trên cùng.

Hẳn rằng thảm họa sóng thần 2004 đã và sẽ luôn để lại dấu ấn trong ký ức người dân Aceh. Vào các dịp kỷ niệm, họ tới Thánh đường, các khu mộ tập thể (chôn cất tới hàng chục nghìn thi thể)… để cầu nguyện, tưởng nhớ những người đã ra đi. Và họ đang cố gắng hết sức để không còn bất ngờ, bị động khi có một thảm họa tương tự xảy ra.

Mỹ Hòa

----------

[1] Hiểm họa sóng thần ám ảnh thế giới, Thanh niên, 26/12/2014.