Đi phượt, đi bụi là nhu cầu chính đáng của giới trẻ, nhưng làm sao để những chuyến đi trở thành trải nghiệm tuyệt vời?

Khi tôi viết những dòng này thì thi thể của phượt thủ K, 24 tuổi, tử nạn trên cung đường Tà Năng, Phan Dũng đã về với gia đình trong ngập tràn nước mắt của người thân, bạn bè. Nghe nói em là một huấn luyện viên thể thao với thân hình cao lớn.

Đây cũng không phải lần đầu tiên tai nạn, rủi ro đáng tiếc xảy ra với những phượt thủ tuổi đời còn rất trẻ. Cách đây không lâu, ngay trên cung đường Tà Năng, Phan Dũng cũng đã có một nữ phượt thủ bỏ mạng. Mấy tháng trước, một phượt thủ ra đi sau một va chạm trên cung đường TP HCM - Huế, năm ngoái có phượt thủ tai nạn giao thông chết trên đường lên Đà Lạt…

Tôi không quen biết K, cũng như không tường tận về tai nạn đau lòng của em, nên không mạn bàn riêng gì về trường hợp này. Nhưng là một người mẹ, tôi muốn viết đôi lời về chuyện đi phượt của giới trẻ.

Đi phượt, đi bụi là nhu cầu chính đáng của giới trẻ. Các em có khát vọng khám phá, chinh phục, tìm hiểu cái mới, dám chấp nhận thử thách, đó là điều rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, hiện nhiều em vẫn đi theo kiểu tự phát, tự tụ nhau lại, sau đó vác ba lô lên và đi. Các em khỏe, trẻ, tự tin và nghĩ rằng chỉ cần với sức vóc đó là làm gì cũng thành công. Nhưng khi lâm sự thì mới thấy rất nhiều vấn đề nảy sinh.

Trước hết là bản thân phượt thủ còn thiếu kinh nghiệm, khả năng team work kém. Không ít em dù đi theo nhóm nhưng thích bẻ cung đường đi theo ý mình, thiếu đoàn kết, thích cãi cọ nhau… Khi các em bị lạc thì không biết phải làm sao, thiếu kỹ năng sinh tồn khi hết thức ăn, nước uống, phải tự tồn tại trong rừng sâu núi thẳm. Nhiều khi mất mạng chỉ vì quá hoảng sợ và cô độc. 

{keywords}
Tà Năng, Phan Dũng nổi tiếng là cung đường đẹp, nhưng để chinh phục được nó là vô cùng gian nan. Ảnh: Quý Trần/ Zing.vn

Về vấn đề quản lý các cung đường đi phượt và cứu hộ, cứu nạn người đi phượt thì càng nan giải hơn, do thực sự ở VN chưa có các đơn vị chuyên nghiệp cho việc này. Vì thế nên khi đi phượt, các em chỉ tự đi là chính, cần thông tin thì hỏi dân, hỏi ai đã có kinh nghiệm, chứ không thể có các trạm thông tin chính thức từ các nhà quản lý khu vực mà các em du ngoạn.

Việc đảm bảo an toàn cũng do các em là chính, thiếu các thông tin, các biển cảnh báo khu vực hay thời tiết nguy hiểm. Và cuối cùng, khi có tai nạn xảy ra, việc huy động các lực lượng cứu hộ cứu nạn là do tinh thần tình nguyện của chính quyền, người dân, của gia đình và bè bạn các em. Có nhiều người đi cứu hộ chỉ hăng hái lên là đi, chứ không hề có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm hay phương tiện nào cả. Mà nhiều khi chưa cứu được nạn nhân đã có thể gặp sự không may chưa biết chừng.

Trong khi ở các quốc gia phát triển, chẳng hạn tại Mỹ, du lịch bụi, du lịch phượt rất phổ biến, chỉ có điều họ có nhiều kinh nghiệm, cách tổ chức hay mà ta nên học hỏi.

Tôi tìm hiểu được là ở Mỹ có rất nhiều khóa huấn luyện cho trẻ em các kỹ năng sống sót trong rừng, trong thiên nhiên. Phải học, thực hành đàng hoàng rồi mới được đi phượt, mà đi cũng phải có tổ chức chứ không đi bừa. Các lớp này được dạy ngay trong một số trường trung học hay các trại mùa hè chuyên biệt mà cha mẹ có thể gửi con tới học.

Tại đây các em sẽ học từ nấu ăn, tìm cây cỏ gì ăn được trong rừng, kỹ năng sơ cấp cứu, tránh thú hoang và tuân thủ kỷ luật, kỹ năng chèo thuyền, vượt thác, vượt suối, leo vách núi với đồ dùng chuyên nghiệp. Các em cũng sẽ học kỹ năng thắt nút dây, tìm phương hướng với bản đồ và la bàn.

Sau đó các em sẽ phải thực hành bằng cách đi cùng nhóm theo từng đoạn đường. Mỗi đoạn có thể là 10-20 km. Ban đầu không đi một mình mà phải đi theo nhóm, có huấn luyện viên quản lý và hướng dẫn. Cứ đi dần dần như vậy cho tới khi thành thạo thì mới có thể đi nhóm nhỏ, hay đi một mình.

Thứ hai là Mỹ có một hệ thống quản lý rất tốt trong các khu vực có cho phép phượt thủ đi du lịch. Họ có rất nhiều trạm thông tin, tại đó có người hướng dẫn chi tiết, cung cấp bản đồ, thông tin và cảnh báo. Tại từng khu vực trong rừng sâu núi thẳm, hải đảo, bãi biển của họ đều cắm biển cho phép đi tiếp nếu an toàn và cấm đi nếu nguy hiểm. Họ có lực lượng kiểm lâm đi tuần rừng, lực lượng tuần duyên đi tuần biển. Trong rừng có rất nhiều cột cấp cứu để nếu phượt thủ gặp nạn có thể bấm nút cấp cứu ở trên cái cột đó, sẽ có người tới cứu.

Các bộ đồ đi phượt của dân Mỹ cực kỳ chuyên nghiệp, hữu ích cho các trường hợp sống ngoài thiên nhiên hoang dã. Còn hệ thống cứu hộ cứu nạn của Mỹ trang bị đầy đủ từ trực thăng cứu hộ, các nhân viên chuyên nghiệp.

Vì quản lý tốt nên những rủi ro cho các phượt thủ sẽ giảm đi, và mọi người có thể an tâm đi du lịch theo lối này để khám phá thiên nhiên, tăng cường sức khỏe.

Vậy mới thấy đi phượt là một đam mê chính đáng, nhưng nó chỉ có thể đem lại niềm vui, trải nghiệm quý báu khi phượt thủ đảm bảo được sự an toàn, tính mạng của bản thân nhờ quá trình luyện tập, chuẩn bị, trang bị kỹ càng trước mỗi chuyến đi.

Nguyễn Anh Thi

Dám ước mơ, nhưng bao nhiêu người Việt dám ‘phượt” như Đăng Khoa?

Dám ước mơ, nhưng bao nhiêu người Việt dám ‘phượt” như Đăng Khoa?

Thử hỏi sau “cơn sốt Trần Đặng Đăng Khoa”, sẽ có bao nhiêu người bắt tay lập kế hoạch của chính mình.

"Xin lỗi sinh viên, em chỉ là con gà công nghiệp"

"Xin lỗi sinh viên, em chỉ là con gà công nghiệp"

“Có những sinh viên hơn một năm ở TP.HCM mà bảo đi từ quận Bình Thạnh lên quận 1 vẫn không biết đường.”

Đưa thi thể phượt thủ tử vong ở Phan Dũng về Sài Gòn

Đưa thi thể phượt thủ tử vong ở Phan Dũng về Sài Gòn

Thi thể phượt thủ Thi An Kiện đã được đưa lên đỉnh thác Lao Phào (Bình Thuận). Sau đó, gia đình đưa thân nhân về TP.HCM lo hậu sự.

Cận cảnh thác dữ Lao Phào - Nơi phượt thủ mất tích ở Tà Năng tử vong

Cận cảnh thác dữ Lao Phào - Nơi phượt thủ mất tích ở Tà Năng tử vong

Nơi tìm thấy thi thể phượt thủ mất tích tại Tà Năng - Phan Dũng hôm 20/5 là một trong những địa điểm nguy hiểm nhất khu vực với núi đá dựng thẳng đứng hàng chục mét.