Sự di chuyển là điều bình thường nhưng tầng lớp ưu tú, tinh hoa chỉ di chuyển theo chiều hướng ra đi là một điều đáng để suy ngẫm và đánh động.

Bạn, đi du học nước ngoài, về nước làm việc, rồi lại đi. Cái sự ở và đi vẫn hay khiến người ta bùi ngùi, trĩu nặng những mông lung còn mất. Đằng này lại đi nước ngoài, sẽ là lâu lắm hoặc là sẽ không còn gặp lại nhau. Xem như nguy cơ mất một mối quan hệ, mặc dầu nếu bạn ở gần, có khi cả năm cũng chưa gặp một lần, nhưng mà cảm giác hãy còn...

Hỏi bạn tại sao đi, suy nghĩ kỹ chưa? Chỗ bạn thân mới nói thật lòng, còn chưa thân thì trả lời cho qua chuyện, cho người ngoài cuộc khỏi mất thời gian suy nghĩ nhiều. Ờ thì, đi đoàn tụ với gia đình; đi học; đi theo người yêu... Vế ngược lại của lý do đó là tại sao gia đình không về với bạn, người yêu không về với bạn, học xong sao không về nước... là những hỏi câu xoáy sâu, đè nặng. Thân tình, gợi mở, được chia sẻ nhiều hơn. Ở bên đó môi trường trong lành, thức ăn không độc hại,...

Thì ra, con chim có sức bay xa rồi cũng chọn mảnh đất lành. Những lưu dân đàng trong, đàng ngoài vì những biến cố lịch sử buộc phải rời quê thường vẫn đau đáu một lòng nhớ thương cố hương, dù ngày trước đi không xa nhưng điều kiện đi lại còn hạn chế, một đi là không hẹn ngày về. Ngày nay, điều kiện đi lại tốt hơn, người ta đi xa hơn và dễ quay về thăm lại. Nhưng chọn một nơi gắn bó suốt đời mình và các thế hệ sau là một lựa chọn đắn đo.

Gần là những cuộc di dân cơ học của thanh niên từ các tỉnh lẻ về một vài thành phố trung tâm của cả nước, xa là những cuộc định cư nước ngoài. Sự di chuyển là điều bình thường nhưng tầng lớp ưu tú, tinh hoa chỉ di chuyển theo chiều hướng ra đi là một điều đáng để suy ngẫm và đánh động. Không ai muốn bức con mình hãy còn nhỏ dại để đi du học; không ai muốn rời một thành phố đáng sống từng gắn bó một thời với rất nhiều mối quan hệ và kỷ niệm để ra đi nếu không có lý do chính đáng, không có sự so sánh tận tường.

Có lần, bạn về nước, về quê thăm lại bà con họ hàng, với óc quan sát nhạy bén và sự nhạy cảm của một nhà văn, bạn than buồn vì những cảnh đẹp của nông thôn Nam bộ xưa dần mai một. Và nếp sinh hoạt, lối sống, chiều sâu tình cảm và tâm thức cũng đã đổi thay quá nhiều. Một ngôi nhà vườn đã không còn, thay bằng một ngôi nhà phố lai căng; rổ rá, cầu ao, bến nước cây trái tốt tươi giờ hanh hao nắng. Tôi đồ rằng, do đi xa nên ký ức và kỷ niệm trong lòng bạn đẹp và vẹn nguyên vậy thôi chứ mọi thứ vẫn như xưa, có thay đổi gì đâu?

Nói là nói vậy chứ chính lòng mình là người ở lại cũng không ít lần xốn xang hoài vọng.

Quan điểm trái chiều nhưng lần nào về nước bạn cũng chuẩn bị quà và hẹn gặp mình. Mình thích nghe bạn kể về cuộc sống ở những vùng đất lạ. Có nhiều điều rất đáng học hỏi. Tiến bộ và văn minh. Rằng các thành phố phát triển đồng đều nên không có di dân cơ học; rằng ở đó môi trường và động vật hoang dã được bảo vệ rất tốt; thực phẩm thì tất nhiên tuyệt đối an toàn... Còn bạn, tìm mình chắc để chờ đợi nhìn thấy những gì xưa cũ, âm thầm, tích tụ như một gian nhà, một khu phố, qua nhiều năm để rồi hóa cổ, để thỏa mãn những hoài niệm mười năm, hai mươi năm được nhìn ngắm lại một lần. Là do bạn nghĩ thế thôi, chứ mình cũng “trùng tu” liên tục (!)...

Và rồi, khi thành phố ngập nước, khi kẹt xe, khi máy bay không hạ cánh được vì sân bay ngập nước những buổi chiều mưa, bạn nhắn nhe với mình rằng “Thấy chưa, đã bảo mà...”.

Lê Phú Cường/ theo TBKTSG

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt