Quan hệ Trung - Nhật xem ra vẫn tiếp tục như chảo dầu sôi xung quanh tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông.

Trung Quốc cảnh báo hậu quả với Tokyo ngay sau khi ông Abe được xác nhận trở thành thủ tướng mới của Nhật. Ảnh: Asahi

Ngày 26/12, một người phát ngôn chính phủ Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố, máy bay giám sát nước này được điều tới quần đảo tranh chấp lần đầu tiên ngày 13/12, và đã bị “các máy bay quân sự Nhật quấy rầy trong khi tuần tra không phận gần quần đảo Điếu Ngư”.

Trung Quốc gọi quần đảo không có người ở tại Hoa Đông là Điếu Ngư, còn Nhật gọi là Senkaku. Quần đảo này hiện do Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền. Tân Hoa xã dẫn lời Thế Thanh Phong - người phát ngôn cơ quan quản lý đại dương Trung Quốc (SOA) nói: "Hành động của Nhật làm leo thang tình hình. Họ sẽ hứng chịu hậu quả vì hành động ấy”.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra bình luận về những gì xảy ra khi máy bay giám sát của họ cùng các tàu hải giám tiến hành tuần tra gần Senkaku/Điếu Ngư. Chưa có báo cáo nào khác về việc máy bay Trung Quốc tuần tra lần hai, cho dù Bắc Kinh đã điều một đội tàu khác sớm tới quần đảo tranh chấp sau khi cựu thủ tướng Shinzo Abe của Nhật đắc cử trở lại chiếc ghế quyền lực.

Người phát ngôn họ Thế nói rằng, máy bay chính phủ Trung Quốc thực hiện sứ mệnh tuần tra thông thường tại không phận không thể tranh cãi của Trung Quốc cách Điếu Ngư/Senkaku 150km. Trong khi đó, người phát ngôn quốc phòng Trung Quốc Dương Dự Quân nói, quân đội nước này “đang theo dõi chặt chẽ” tình hình và “cảnh giác cao độ” trước những hành động của lực lượng phòng vệ Nhật ở không phận thuộc Điếu Ngư/Senkaku.

"Chúng tôi sẽ kiên định thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và sứ mệnh của mình, trong khi phối hợp với các ban ngành liên quan như tổ chức giám sát hàng hải để đảm bảo an toàn cho các hoạt động thực thi pháp luật hàng hải Trung Quốc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như các quyền hàng hải Trung Quốc”, Dương nói trong khi đề cập việc các máy bay Nhật “gần đây ngăn chặn” máy bay giám sát.

Dương lớn tiếng khẳng định, việc quân đội đảm bảo an ninh ở vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc là “chính đáng” và các quốc gia khác “không có vị trí gì” để đưa ra những bình luận "vô trách nhiệm" về vấn đề này.

Vụ việc xảy ra ngày 13/12 là lần đầu tiên hai bên dùng tới máy bay tại khu vực tranh chấp. "Bất chấp nhiều lần cảnh báo, các tàu chính phủ của Trung Quốc vẫn xâm nhập vào lãnh hải của chúng tôi trong 3 ngày liên tiếp", chánh văn phòng nội các Nhật Osama Fujimura nói với phóng viên. "Thật đáng tiếc là ngoài việc đó, họ còn xâm nhập vào không phận của chúng tôi".

Nhật đã gấp rút điều 8 máy bay chiến đấu ứng phó sau khi 1 máy bay Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào khu vực mà Nhật coi là không phận của họ ở quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông. Thủ tướng Nhật Bản khi ấy là ông Yoshihiko Noda sau đó đã chỉ thị chính phủ "tăng cường cảnh giác".

Một ngày trước khi chính thức cảnh báo Nhật, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các nỗ lực đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng sau khi ông Abe chính thức trở thành thủ tướng Nhật. Bắc Kinh thúc giục tân thủ tướng Nhật nỗ lực cải thiện quan hệ bị ảnh hưởng vì tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông.

"Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Nhật sẽ có những nỗ lực cụ thể để khắc phục khó khăn trong quan hệ song phương”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, những nỗ lực ấy là cần thiết “để thúc đẩy quan hệ song phương trở lại con đường đúng đắn. “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với phía Nhật Bản để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh trong quan hệ song phương”, người phát ngôn này nói.

Thái An (theo Zeenews, Reuters)