- Hôm nay, Thủ tướng có buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng cho thấy tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT lên tới 1.334.903 tỷ đồng.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nói, tổng nộp ngân sách năm vừa qua của các TĐ, TCT đạt 294 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2011. Những TĐ, TCT nộp ngân sách lớn bao gồm: Dầu khí, Viễn thông quân đội Viettel, Điện lực EVN…

Ông Phạm Viết Muôn khẳng định, hầu hết các đơn vị trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh cao.

“Các TĐ, TCT nhà nước tiếp tục thực hiện vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế”, ông Muôn nói.

Vẫn nợ vượt giới hạn

Tuy nhiên, bên cạnh những mảng màu sáng thì bức tranh hoạt động của các “anh cả đỏ” trong nền kinh tế năm qua cũng vẫn còn những mảng màu tối. Đó là tình trạng nợ nần, lỗ và thất thoát.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu. Ảnh: Lê Nhung

Năm qua, lỗ phát sinh của các đơn vị khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số TĐ, TCT lỗ trong năm 2011 thì 2012 tiếp tục lỗ. Có 10 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng.

Theo ông Muôn, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT lên tới 1.334.903 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần. Tổng tài sản trên tổng nợ phải trả là 1,6 lần. Một số đơn vị có tỷ lệ nợ vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.

Nợ nước ngoài của các công ty mẹ là 158.865 tỷ đồng, tăng 11% so với năm cũ. Ông Muôn cho hay, một số đơn vị có số nợ nước ngoài lớn như công ty mẹ TĐ Điện lực EVN, công ty mẹ Tổng công ty Hàng không, TCT phát triển đường cao tốc.

Tổng nợ phải thu là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản, trong đó số nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỷ đồng.

Theo Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ngoại trừ một số đơn vị lỗ do chính sách giá và do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá thì vẫn còn một số đơn vị kinh doanh thua lỗ.

Thống kê cho thấy, vốn chủ sở hữu tăng rất thấp so với năm cũ (chỉ tăng 1% so với 9% của năm 2011). Tình hình tài chính của không ít đơn vị thiếu lành mạnh, nhiều đơn vị còn không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Một số TĐ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay và khả năng thanh toán nợ rất thấp. Nợ phải thu khó đòi của một số TĐ, TCT còn khá cao.

“Bắt bệnh” nguyên nhân làm ăn thua lỗ, ông Muôn cho hay, nhiều đơn vị chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó do tâm lý trông chờ vào cứu trợ của nhà nước, không chủ động tái cơ cấu. “Công tác cán bộ, đặc biệt với cán bộ quản lý cao cấp vẫn tiếp tục là khâu yếu, có nơi trong suốt thời gian dài không có chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc tổng giám đốc”, ông Muôn nhận xét.

Một nguyên nhân nội tại khác là ý thức chấp hành pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành ở một số DN chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và kinh doanh có nơi buông lỏng. Tình trạng lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm kém trong một số TĐ, TCT chưa được khắc phục nhiều. Nhiều dự án đầu tư không có hiệu quả, không tiếp tục triển khai được.

Một số đơn vị lại được giao nhiệm vụ bình ổn giá, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát (ví dụ như TĐ Than - Khoáng sản phải bán than cho sản xuất điện với giá từ 63-65% giá thành; EVN hiện vẫn đang bán điện dưới giá thành; xăng dầu mới chỉ được tính khoảng 70% chi phí bán hàng vào giá thành sản phẩm...) nên ảnh hưởng đến doanh thu…

Lực lượng nòng cốt

Ông Phạm Viết Muôn cho biết, đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. Năm ngoái, đã sắp xếp được 21 DN, trong đó cổ phần hóa 13 DN (có 3 TCT), sáp nhập 5  và chuyển thành công ty TNHH một thành viên 3 DN.

Phê duyệt việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của 2 TCT đã thực hiện cổ phần hóa và ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Tái cơ cấu TĐ Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (đề án tái cơ cấu Vinashin sẽ trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 1).

Việc chấn chỉnh đầu tư ngoài ngành cũng đã được triển khai mạnh. Nhiều đơn vị đã xác định lại các ngành nghề chính, thoái vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành. Dù vậy, báo cáo vẫn đánh giá việc này còn chậm.

Theo ông Phạm Viết Muôn, năm nay, nhiệm vụ đặt ra đối với các TĐ, TCT Nhà nước là xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp và tổ chức thực hiện để tăng trưởng khoảng 10%. Đồng thời sẽ quyết liệt tái cơ cấu.

“Chính phủ xác định năm 2013 tiếp tục còn nhiều khó khăn, DNNN vẫn phải là lực lượng nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm”, ông Muôn nói.

Các TĐ, TCT Nhà nước đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đặc biệt, phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý. Bảo đảm tính hiệu quả đối với các dự án đầu tư phát triển. Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, nhất là kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

Tổng vốn sở hữu của các TĐ, TCT nhà nước đến nay là 735.293 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2011. Tổng tài sản 2.138.780 tỷ đồng, tăng 2%.


Lê Nhung