- Dù cho phiên họp QH ngày 21/5 nóng như chảo lửa với bộn bề vấn đề kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị vẫn quyết định gác lại để xuống làng cổ Đường Lâm - nơi hàng trăm hộ dân đang bức xúc vì sống khốn khổ trong lòng một di sản vốn là niềm tự hào của cả Hà Nội.


Cho đến trước cuộc gặp hôm qua, không phải người dân đã không có cơ hội tiếp xúc chính quyền để kêu lên nỗi khổ khi sống trong lòng di sản suốt 6 năm qua. Cuộc gặp giữa chính quyền cấp xã (UBND thị xã Sơn Tây) với đại diện 23 hộ dân được mời hôm 15/5 không làm thỏa lòng dân khi không có giải pháp khiến họ yên tâm.

Số hộ dân ký vào đơn xin trả lại danh hiệu di tích tăng lên từ ít thành nhiều (nay là 255 hộ) không chỉ còn giới hạn bức xúc đơn thuần của từng nhà, từng người nữa. 6 ngày sau, người đứng đầu thành phố Hà Nội đích thân xuống Đường Lâm, đi theo ông có cả lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, những chuyên gia về văn hóa - di sản.

{keywords}
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Ngh lắng nghe một người dân Đường Lâm. Ảnh: Hà Nội mới


Hình ảnh những người dân làng cổ tay cầm tờ đơn đứng trên đường chờ người đứng đầu thành phố và đoàn công tác về thị sát không thể buộc ông Nghị, các cấp lãnh đạo sở, ngành có thể chần chừ trước những mâu thuẫn, bức xúc đang dồn ứ, không thể chỉ là đến để mà thị sát.

Ông Nghị và đoàn công tác đi thẳng đến nhà cổ của một người dân trong làng. Nhiều người dân ùa theo. Mọi người có quyền nói. Ai có bức xúc thì trình bày. Họ nghe, quan sát và để thấy bức xúc của dân là có thật và cũng thấm thía điều tréo ngoe là điều tưởng chừng tốt đẹp mang đến cho dân (phong tặng danh hiệu làng di sản và đang đứng trước cơ hội trở thành 1 trong 5 làng trên thế giới trở thành di sản UNESCO) hóa ra lại mang lại sự phiền toái, khốn khổ cho dân. Không phải lỗi của ý nguyện mang đến điều tốt đẹp. Lỗi ở chỗ bản thân cấp quản lý chưa chuẩn bị năng lực, kế hoạch bài bản cho thực thi điều tốt đẹp đó đến với dân. Quản lý di sản vì thế trở nên cứng nhắc.

Cho đến cuộc tiếp xúc hôm qua, "ngưỡng" chịu đựng của người dân làng cổ Đường Lâm cho thấy chính quyền vẫn còn cơ hội để sửa sai. Họ bức xúc nhưng vẫn còn giữ nguyên hình hài làng cổ cho niềm tự hào không chỉ của người dân Đường Lâm, vì họ tin vẫn còn có cơ hội, cho cả chính họ. Một di sản, khi đến tầm thế giới, cũng là cơ hội sống, làm ăn kinh tế cho người dân.

Bí thư Phạm Quang Nghị đã rất thiện chí khi cầu thị "mong người dân Đường Lâm tiếp tục phát huy trách nhiệm như trước". Hơn cả, ông đã nói lời xin lỗi đến toàn thể những hộ dân vì các cấp chậm giải quyết bức xúc. Trước họ, đích thân ông chỉ đạo lãnh đạo các cấp phải nhanh chóng giải quyết bức xúc, không thể cứng nhắc giữ di sản mà không tính đến lợi ích của người dân, sai thì sửa, chưa tốt thì củng cố. Thậm chí, việc làm hồ sơ để UNESCO công nhận là di sản làng thế giới cũng bị đặt dưới ưu tiên ổn định cuộc sống của người dân.

Với câu chuyện Đường Lâm, ít nhất lãnh đạo Hà nội cũng như các sở, ngành đã có cơ hội lắng nghe và phát huy năng lực lắng nghe.

Với Bí thư Phạm Quang Nghị, đây không phải lần đầu tiên ông "xin lỗi" dân. "Xin lỗi" luôn là lời nói, cách thể hiện ứng xử giản dị nhưng văn minh nhất của con người. Người lãnh đạo có năng lực lắng nghe và xin lỗi trong những hoàn cảnh cần thiết, rút ra những điều chưa hợp lý để chỉnh sửa cũng là người có ứng xử văn hóa chính trị văn minh và khôn ngoan.

Nhưng mọi năng lực lắng nghe, sự cầu thị phải chuyển hóa thành những hành động quyết liệt. Người dân chờ đợi Bí thư hành động thực tiễn, thực sự gần dân, vì dân. Dân không mong gì hơn là có được một lãnh đạo như thế.

  • Linh Thư