- Bộ trưởng Hà Hùng Cường xin ĐBQH 'thông cảm' trước các văn bản luật ban hành sai, có nhiều dư luận. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì chỉ ra 312 văn bản bị "thổi còi" nếu thực hiện trong thực tế sẽ gay go. Vì nếu dân không thực hiện thì vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.

ĐB TP.HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa chiều 11/6 chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về "vấn nạn nghị định, thông tư".

Văn bản hướng dẫn luật 'bẫy' dân

Theo phản ánh của ĐB Nghĩa, nhiều vấn đề Hiến pháp cho phép, luật ra tạo hành lang nhưng đến văn bản hướng dẫn thì thêm rào cản, thậm chí "bẫy" cho DN và người dân. Muốn "vượt qua", ĐB cho rằng DN, dân không có cách nào khác, phải "chung chi, bôi trơn, xin cho". Nhiều khi người dân, DN không làm sai luật, chỉ là không đúng các văn bản hướng dẫn mà bị quy tội cố ý làm trái, có thể bị xử lý hình sự.

XEM CLIP:

Ông kể lại trong buổi tiếp xúc với Thủ tướng vừa qua, nhiều DN phản ánh rằng họ đăng ký kinh doanh ở các nước mất chỉ có 3 ngày thì ở VN mất 3 tháng. Người nước ngoài xin giấy phép lao động ở VN khó mà chiểu theo các tiêu chuẩn mà đến Bill Gates cũng không thể đạt. ĐB TP.HCM nêu dư luận cũng bức xúc những văn bản ra sai rồi rút lại, gây tốn kém hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, hai vấn đề ĐB nêu có chung giải pháp: nguyên tắc là văn bản của các bộ không được trái luật, pháp lệnh của QH, nghị định của CP, quyết định của Thủ tướng, càng không được trái Hiến pháp.

"ĐB nêu vấn đề này chúng tôi rất cảm ơn, sẽ kiểm tra cụ thể, nếu có sẽ gửi kết quả kiểm tra báo cáo ĐB. Văn bản ra sai, có nhiều dư luận thì xin ĐB thông cảm, có cái ra rồi, có cái mới là dự thảo để lấy ý kiến, dư luận phản ứng thì đều đã sửa chữa ngay. Còn chuyện tốn kém, cần đi sâu vào cụ thể từng vụ việc, ĐB cho biết để kiểm tra", Bộ trưởng Cường nói.

Chưa hài lòng câu trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra 312 văn bản chính mà Bộ Tư pháp đã "thổi còi" nếu thực hiện trong thực tế thì gay go. Nếu DN, người dân không thực hiện thì lại vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Đây là chuyện nghiêm túc, nghiêm trọng.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đặt vấn đề tương tự: "Bộ trưởng nói rất mạnh về nhà nước pháp quyền, tức nhà nước và nhân dân đều phải chấp hành luật. Dân làm trái luật thì phạt hết sức ghê gớm, các cơ quan nhà nước làm sai đến 312 văn bản lại xử lý rất thấp.

"Bộ trưởng có nghĩ đến một thời gian nhất định sẽ đề xuất Chính phủ mở rộng quyền làm chủ của người dân, dân được khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình?"

{keywords}
ĐB Nguyễn Bá Thuyền

Chất lượng làm luật kém vì cán bộ?

Bấm nút sau trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh thêm chất lượng những văn bản hướng dẫn luật.

"Hành lang pháp lý cho 3m, anh hướng dẫn còn lại 1m, cho đi thẳng thì anh hướng dẫn đi cong, bảo đi đường bằng thì anh hướng dẫn lên dốc... Vẫn đi được từ A đến B nhưng chậm chạp, trơn trượt, dễ rơi vào bẫy, cuối cùng tốn thời gian, phải chung chi. Chúng không trái, không sai, nhưng là lực cản rất lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài mỗi lần gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng về đều rất phấn khởi. Nhưng quay lại cuộc sống hàng ngày đụng vào một rừng văn bản hướng dẫn thì họ lại chán nản", ông Nghĩa phản ánh.

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận định luật ta không thiếu mà do khâu thực thi chưa hiệu quả, trong khi ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đặt vấn đề nguồn lực con người trong ngành tư pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận vấn đề con người "chưa đáp ứng", dẫn đến hạn chế, bất cập, đặc biệt trong tổ chức thi hành pháp luật. Mãi đến năm 1986 VN mới bắt đầu đào tạo cử nhân luật nên "thâm hụt ghê gớm đội ngũ chuyên gia có kiến thức pháp luật".

Bộ trưởng cũng nhận định thực thi pháp luật tốt cần sự gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên và việc xét xử nghiêm minh của cán cân công lý là tòa án. Như ở Lai Châu vừa qua đã xử lý kỷ luật 14 cán bộ thi hành án, giáng chức cục trưởng vì thực thi trách nhiệm không đúng.

"Lĩnh vực này rất nhạy cảm, dễ tiêu cực nên chúng tôi quyết tâm làm thật tốt", Bộ trưởng Tư pháp nói.

Nhiều ĐB đã bấm nút đặt câu hỏi cho Bộ trưởng tiếp tục trả lời chất vấn đầu giờ chất vấn sáng mai.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt một câu hỏi: "Cử tri hoan nghênh xét xử các đại án kinh tế vừa qua, nhưng cử tri buồn vì thu hồi tài sản trong những vụ án này chưa đến 10%. Phần lớn tiền đi đâu, phải chăng cứ đi tù là xong? Bộ trưởng làm thế nào để kết nối việc xét xử và thu hồi tiền về cho Nhà nước? Là trưởng ban soạn thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ trưởng nghĩ sao về chính sách hình sự đối với loại tội phạm này? Ví dụ bổ sung hình phạt tù suốt đời, sống để trả tiền".

Câu hỏi này, do hết thời gian, Bộ trưởng Tư pháp sẽ trả lời sáng mai (12/6), trước phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.

C.Hoàng - M.Thăng - T.Lâm - H.Nhì - D.Tiến - Nguồn clip: VTV