- Cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là phải lành mạnh hóa thị trường, ĐBQH Trần Du Lịch đề xuất sửa luật phải tiêu diệt được những kẻ “kinh doanh cơ chế” bằng cách chạy dự án, nâng giá làm hại thị trường, làm hư bộ máy.

Chiều 18/6, QH thảo luận về dự án luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết luật này điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh BĐS mà chủ thể chính là người tham gia kinh doanh BĐS, vì vậy hoạt động nào không thuộc lĩnh vực kinh doanh thì chuyển sang hoạt động dân sự.

{keywords}

ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Minh Thăng

Hiện nay theo ông Lịch có mấy loại nhà tham gia thị trường gồm: Loại 1 và 2 là xin dự án để kinh doanh và xây dựng theo quy hoạch để tạo nên bộ mặt đô thị; xây dựng cơ sở hạ tầng, những loại này cần được khuyến khích. Loại 3 là chuyên môn chạy dự án, đẩy giá BĐS, thực chất là không kinh doanh cái gì ngoài kinh doanh cơ chế.

“Luật này nói đến thị trường BĐS và phải lành mạnh hóa được thị trường, muốn vậy phải tiêu diệt được loại thứ 3 nói trên bởi loại kinh doanh này làm hại thị trường, làm hư hỏng bộ máy”, ông Lịch nhấn mạnh.

Luật quy định các cá nhân, tổ chức muốn tham gia kinh doanh BĐS trên thị trường phải lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã với vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng.

Đồng tình song ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng mức 50 tỷ cao hơn nhiều so với quy định hiện nay, chưa phù hợp và có thể gây khó cho DN, khiến đồng vốn DN sử dụng không hiệu quả, hơn nữa nếu DN có quy mô nhỏ thì dùng không hết số vốn này. Vì vậy, ông đề nghị nên để số vốn pháp định khác và linh hoạt hơn, nếu DN đã có dự án đầu tư rồi sẽ tăng vốn thì hợp lý hơn.

Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh vốn pháp định là cần thiết nhưng đừng để khai cho có rồi không ai kiểm soát. Đây là tình trạng xảy ra thường xuyên trong nhiều lĩnh vực. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng việc không có năng lực tài chính thực sự hoặc chỉ khai cho có, thậm chí có người kinh doanh BĐS mà không có đồng nào, làm ăn kiểu “tay không bắt giặc” gây nhiều rủi ro cho những người tham gia,  khiến thị trường méo mó, tiêu cực.

Một trong những hình thức huy động vốn phổ biến hiện nay là người mua đóng góp tiền trong quá trình xây dựng. ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh rằng với những dự án BĐS hình thành trong tương lai như trên thì nhà đầu tư và các bên liên quan phải đảm bảo quyền của người góp vốn dưới hình thức người mua được kiểm soát bất cứ lúc nào tiền của mình được sử dụng như thế nào, và quyền chuyển nhượng cho người khác một cách dễ dàng nhằm đảm bảo quyền tham gia và rút khỏi thị trường 1 cách thuận lợi mà vẫn đảm bảo quy định pháp luật.

Ông Nghĩa cũng đề xuất nhà đầu tư BĐS phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng quỹ bảo vệ môi trường vì nhà đầu tư sử dụng, dựa vào cầu đường và công trình công cộng của nhà nước trong quá trình xây dựng dự án của mình. Ngoài ra cần đưa khái niệm “bảo hành công trình” vào luật để buộc nhà đầu tư phải có cam kết và bảo hành tuổi thọ công trình.

Cũng trong chiều 18/6, QH đã biểu quyết thông qua luật Xây dựng (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành là 79,72%.

Cẩm Quyên