- Yếu tố “nhóm máu” trong thông tin dữ liệu công dân như quy định của dự thảo luật Căn cước công dân có ý kiến khác nhau. 

Tại phiên thảo luận ở QH sáng nay, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thông tin này phục vụ rất tốt, tiện lợi cho việc mỗi một lần cán bộ bị thương hoặc có vấn đề gì khi cần huy động cán bộ, chiến sỹ ủng hộ máu cho đồng đội.

ĐB Hà Nội cũng cho biết, hiện nay VN đang tiếp nhận những dự án của Nhật Bản xây trạm cấp cứu trên đường cao tốc, muốn cấp cứu trên đường là phải có nhóm máu ngay. Điều này hữu ích cho tình huống thiên tai, cấp cứu. "Việc đó là nhân đạo và rất tốt" - ông Chung khuyến khích.

{keywords}
ĐB Nguyễn Đức Chung

Trong khi đó, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam cho rằng việc này gây tốn kém tiền cho nhân dân chưa kể tình huống sai sót ghi nhầm nhóm máu của cán bộ làm căn cước công dân dẫn đến cấp cứu điều trị không đúng, dẫn đến chết người.

ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) lại cho rằng chỉ cần quy định ngành y tế xác định trong chứng sinh nhóm máu ngay khi đứa trẻ được sinh ra.

Thay chứng minh tốn bao nhiêu?

Đặt câu hỏi dự liệu kinh phí chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, báo cáo mới tính đến chi phí in mới các biểu mẫu giấy tờ và chỉnh lý các phần mềm đang sử dụng tên gọi chứng minh nhân dân, mà chưa tính đến nhiều công việc cần có kinh phí mới triển khai được. Riêng việc thu thập từ người dân khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số chưa có hoặc không đầy đủ để làm thẻ căn cước công dân cần nguồn lực rất lớn.

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), luật mới chỉ thấy có thể thay thế được hộ khẩu, hộ chiếu trong khi nhiều giấy tờ khác chưa rõ bao giờ sẽ thay thế được. Điều này khiến ông " nghi ngờ" sẽ có những dự án khác đẻ ra nếu đến lúc cần thay thế được những giấy tờ khác.

Số định danh cá nhân: 9 hay 12 số?

Phân tích tỉ mỉ về số định danh cá nhân, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng cách tiếp cận của luật chưa ổn khi dự kiến định danh 12 số với mục tiêu không trùng lắp, không chạm số trong 500 năm.

{keywords}

ĐB Phạm Trọng Nhân

ĐB phân tích, với 9 số của chứng minh nhân dân, nếu hợp nhất ở các địa phương sẽ có gần 1 tỷ đầu số. Tờ trình của Chính phủ hiện chỉ mới cấp hơn 68 triệu. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số dự kiến dùng được hơn 400 năm. Nhưng về xã hội sẽ tạo ra một sự xáo trộn, lãng phí.

"Bỏ đi 68 triệu chứng minh cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt, lan toả trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc" - ĐB kiến nghị.

Ông giải thích, về kĩ thuật, tăng từ 9 lên 12 con số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lí dữ liệu nếu mã hoá thông tin căn cước để cho ra số này thì càng vô nghĩa một khi công dân điều chỉnh căn cước của mình. Nếu định danh để nhìn vào mà biết được nơi đăng kí khai sinh, năm sinh, giới tính thì trên thẻ căn cước và các giấy tờ liên quan có cần phải ghi thêm những thông tin này bên cạnh?

Hơn nữa, việc định danh hay đưa mã vùng vào dãy số là do trước đây làm thủ công, chưa có thiết bị công nghệ nên không chỉ có VN, mà cả các nước trên thế giới cũng giao mã vùng về cho từng địa phương theo dõi cấp cho công dân. Một khi đã có hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất thì không ai làm cách này. Số định danh thực chất là số chỉ mục để truy xuất dữ liệu của mỗi công dân chứ không có ý nghĩa nào khác.

Trong khi đó, khi đăng kí khai sinh sẽ do công chức tư pháp ghi vào sổ hộ tịch và bản chính giấy khai sinh, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh, sau đó ghi chính thức vào sổ hộ tịch và giấy khai sinh. Như thế, một lần nữa phải mất công là nhập vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

"Tôi thật sự ngạc nhiên và không hiểu vì sao chúng ta lại xây dựng hai hệ thống cơ sở dữ liệu riêng biệt. Phương thức kiểm soát cập nhật, bổ sung và điều chỉnh cho cả hai hệ thống này thế nào khi có hàng ngàn đầu mối nhập liệu, người nhập liệu vào hệ thống của Bộ Công an quản lý để lấy số định danh lại là công chức tư pháp hộ tịch. Cách làm này vừa tốn nhiều công sức lại dễ xảy ra sai sót".

Trên cơ sở đó, ĐB kiến nghị dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc chứng minh nhân dân 9 số hiện nay.  Sau khi hợp nhất tiếp tục cấp tương tự trong kho số này theo thời gian phát sinh mà không cần phân biệt mã vùng như hiện nay. Số định danh là mã số công dân được cấp, xác lập từ khi mới sinh, dùng chung duy nhất cho tất cả các giấy tờ liên quan đến công dân đó.

"Sau hơn 400 năm nếu hết kho số cũ mà mã số công dân mới cũng chỉ nên tối đa gồm 9 chỉ số, 3 cơ số đầu chạy từ 0-99, và a-z, tức là một vị trí chạy 36 lần. 6 số còn lại chạy từ 0-99 theo cách này, kho số sẽ có hơn 46,65 tỷ đầu số đủ dùng cho hơn 23.000 năm. Nhưng tôi tin rằng mấy chục năm nữa ĐBQH là con cháu sau này sẽ có giải pháp quản lý tốt hơn hiện nay".

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng