- Chỉ còn hơn một năm để Việt Nam hoàn thành tất cả các Mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có 3 mục tiêu còn nhiều việc phải làm.

Hôm nay (18/8), mốc đếm ngược 500 ngày đến thời hạn hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ, LHQ truyền đi thông điệp của Tổng thư ký Ban Ki Moon: “Hiện nay đang có nhiều cuộc chiến tranh diễn ra trên thế giới - bất ổn về chính trị, những cuộc đổ máu, tình trạng khẩn cấp về y tế và những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền. Song vẫn còn bùng cháy hy vọng - đó là tiến bộ đáng khích lệ trong chiến dịch toàn cầu nhằm cải thiện cuộc sống của những người nghèo nhất trên thế giới thông qua việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ”.

Điều phối viên thường trú của LHQ ở Việt Nam, bà Pratibha Mehta, cho hay: Kể từ khi cùng các nước trên toàn thế giới thông qua 8 Mục tiêu thiên niên kỷ năm 2000, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ "rất ấn tượng" ở cấp quốc gia, tính theo bất kỳ tiêu chuẩn nào.

"Trong hai thập kỷ qua, hơn 30 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Số học sinh nữ và học sinh nam trong các trường nay đã tương đương. Tỉ lệ bà mẹ sống sót khi sinh tăng lên đáng kể và trẻ em sống khỏe mạnh hơn. Phụ nữ chiếm hơn một nửa số người trong lực lượng lao động, đồng thời môi trường và thương mại tiếp tục được cải thiện", bà Pratibha Mehta nói.

{keywords}

Nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm: Vẫn tồn tại nghèo đói kinh niên và bất binh đẳng về cơ hội, đặc biệt ở các nhóm dân tộc thiểu số. Các hình thức nghèo đói mới và các nhóm dễ bị tổn thương khác đang xuất hiện, như nhóm người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ làm chủ hộ và dân di cư không có đăng ký hộ khẩu. Nguy cơ tái nghèo cao. Nghèo đa chiều đang trở thành một thách thức ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, những mục tiêu về HIV/AIDS, môi trường bền vững và quan hệ đối tác toàn cầu vẫn đang bị tụt lại phía sau.

Về mục tiêu phòng tránh HIV/AIDS, báo cáo của Chính phủ cho biết: Đã có một số tiến bộ, năm 2012, số người mắc mới giảm 22% so với năm 2011, tỉ lệ người mắc ổn định ở mức 0,3% dân số.

Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ lây nhiễm HIV lại tăng lên đến 45,3%. Các bệnh nhân HIV đang gặp khó khăn trong việc tìm cách chữa trị, số lượng các cơ sở điều trị HIV đạt chuẩn chưa được một nửa.

Về môi trường, Chính phủ cũng nhận định "còn một quãng đường dài để đạt được mục tiêu năm 2015": Nhiều vấn đề môi trường đã trở nên nghiêm trọng hơn dưới áp lực của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu, ví dụ các vụ vi phạm môi trường gia tăng, nạn phá rừng và khai thác tận thu tài nguyên thiên nhiên ngày càng nhiều.

Pháp luật về môi trường cũng chưa theo kịp đời sống kinh tế - xã hội, đầu tư của nhà nước cho môi trường cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong quan hệ đối tác toàn cầu, Việt Nam đã là đối tác chiến lược với 12 quốc gia, ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do, kết quả là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên đáng kể.

Nhưng từ khi trở thành nước thu nhập trung bình, Việt Nam cũng gặp khó khăn khi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giảm xuống. Một số thị trường trong nước, như dược phẩm, chưa thực sự lành mạnh.

Chính phủ nhận định để lấp được những chỗ trống phát triển này, Việt Nam cần quản lý tốt hơn vốn đầu tư nước ngoài và kiểm soát nợ công, cải cách thể chế và cơ sở hạ tầng một cách nghiêm túc để thu hút thêm vốn đầu tư và viện trợ nước ngoài.

LHQ thúc đẩy Việt Nam hành động trong bốn lĩnh vực sau để tăng tiến độ: Một là tiếp tục tăng cường đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng và vệ sinh môi trường.

Hai là tập trung vào các cộng đồng nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất và các nhóm đã cố gắng hết sức song vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Ba là dù ngân sách khó khăn cũng không giảm hỗ trợ những người yếu thế nhất trong xã hội.

Và bốn là tăng cường hợp tác với những chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các mạng lưới trên thế giới.

Bà Pratibha Mehta động viên Việt Nam bằng phát biểu của Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon: “Thách thức đang làm thoái chí. Song chúng ta có nhiều công cụ hơn - phạm vi áp dụng công nghệ ngày càng mở rộng, hiểu biết ngày càng tăng về các giải pháp khả thi và không khả thi".

Điều phối viên thường trú của LHQ khuyên Việt Nam tận dụng từng ngày trong quỹ thời gian 500 ngày sắp tới.

Chung Hoàng