Không lâu trước đây, châu Á chứng kiến nhiều chính phủ yếu ớt. Nhật với hàng loạt lãnh đạo không được tín nhiệm và không giữ vững được vị trí. TQ những năm cuối thời ông Hồ Cẩm Đào đã thấy nhiều cải cách bị trì hoãn.


{keywords}

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Ở Ấn Độ, sau nhiều kỳ vọng, cựu Thủ tướng Manmohan Singh kết thúc nhiệm kỳ với nhiều chỉ trích hơn là tán thành. Tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono dường như cũng trải qua điều tương tự. Những cái giá phải trả kể cả về kinh tế và chính trị thời ấy đều ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Giá trị tiền tệ cũng như tỉ lệ tăng trưởng ở cả Ấn Độ và Indonesia đều sụt giảm năm ngoái.

Người dân trong khu vực mong muốn có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn, có thể đưa ra các giải pháp.

Câu trả lời hiện tại dường như đã có với sự nắm quyền của ông Tập Cận Bình ở TQ, và Thủ tướng Shinzo Abe ở Nhật Bản. Cả hai nước này đang cố gắng "lôi kéo" Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và Tổng thống đắc cử Indonesia Joko Widodo. Nhiều triển vọng đã mở ra.

Các nhà lãnh đạo mới đều hướng tới cải cách. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đang tiến hành những cải tổ kinh tế dù khó khăn nhưng rất cần thiết, và mạnh tay trong chống tham nhũng. Với Nhật Bản, các chính sách phi chính thống về kinh tế mang tên Abenomics đã kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế trì trệ bấy lâu nay.

Ấn Độ và Indonesia vẫn còn đang chờ đợi. Nhưng kỳ vọng cải cách là rất cao.

Cả 4 nhà lãnh đạo đều đi xa hơn các chính sách kinh tế. Mỗi người đều đặt ra một tầm nhìn chuyển đổi cho đất nước với mong muốn vị thế vững mạnh trong thế giới. Ai cũng có được tỉ lệ tín nhiệm cao cho phép họ không gian rộng để hành động táo bạo.

Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó.

Hãy nhìn vào sự căng thẳng gia tăng giữa TQ và Nhật Bản. Trong khi tranh chấp đảo trước thời Abe dường như lặng sóng, thì tình hình hiện tại ngày một tồi tệ. Cả ông Tập và Abe đều không có ý nhượng bộ. Trái lại, họ nhận được sự đồng thuận mang tính dân tộc chủ nghĩa ở trong nước để không từ bỏ.

Ông Abe có thêm lý do để cải tổ hiến pháp hòa bình thời hậu chiến và cân nhắc việc Nhật có thể mở rộng vai trò an ninh trong khu vực - một vấn đề gây tranh cãi thậm chí trong chính nước Nhật. Về phần mình, TQ khoét sâu thêm tranh chấp khi thiết lập vùng nhận diện phòng không chồng lấn với khu vực và Nhật và Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền.

Với các nước láng giềng Đông Nam Á, việc ông Tập củng cố quyền lực ở TQ đã không làm dịu những bất đồng. Trái lại, TQ hành xử trở nên gây hấn hơn, như kiểu đơn phương hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN ở Biển Đông.

Những nhà lãnh đạo mạnh mẽ cũng có thể gây bất ổn ở một khu vực đang ngày càng trở nên mong manh về cả kinh tế và chính trị. Mỹ từ lâu chiếm ưu thế trong khu vực, đang tìm cách thích nghi với tình hình. Tổng thống Obama đã tái khẳng định các cam kết với đồng minh và tuyên bố thực thi chiến lược tái căng bằng hướng tới khu vực.

Nhưng kể cả khi sự hiện diện của Mỹ là cần thiết và không thể tránh khỏi, thì cũng có rủi ro nếu chính quyền Obama tập trung quá mức vào vai trò hiện diện quân sự tại đây. Một số người ở Bắc Kinh tin rằng, Mỹ thậm chí có thể hoan nghênh mong muốn của Thủ tướng Abe khi biến Nhật thành đối trọng với TQ. Ý thức về sự cạnh tranh Trung - Mỹ lại càng được đẩy lên cao khi quan hệ căng thẳng Trung - Nhật không lắng dịu.

Những sự phức tạp này khiến các chính quyền mới ở Ấn Độ và Indonesia gặp khó, nhất là trong chính sách đối ngoại và an ninh.

Với New Delhi, truyền thống là duy trì trung lập. Nhưng ông Modi mới đây đã tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm. Ông cũng chuẩn bị công du Tokyo. TQ và Ấn Độ có quan hệ song phương, và cùng với Brazil, Nga, Nam Phi là thành viên của khối BRICS. Nhưng một số người ở New Delhi đã nhấn mạnh vào sự cạnh tranh với TQ, dù trên biển hay vùng biên giới đất liền đang tranh chấp.

Chính phủ mới ở Indonesia sẽ chưa chính thức điều hành đất nước cho tới tháng 10 và cũng không có nhiều thời gian trước lúc cuốn vào hàng loạt cuộc họp khu vực như Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-TBD tổ chức ở TQ hay Thượng đỉnh Đông Á...

Các nhà lãnh đạo mạnh mẽ hiện tại của châu Á có thể tiến hành cải cách trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu họ khẳng định sức mạnh của mình trong các mối quan hệ an ninh và đối ngoại thì khu vực có thể bị mất cân bằng.

Thái An (theo Japantimes)