Tại thủ đô Washington DC, Mỹ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã dành thời gian tiếp đại diện giới học giả Việt Nam (Nhóm sáng kiến VN), các học giả thuộc mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại Mỹ và một số chuyên gia nghiên cứu độc lập tại ĐH John Hopkin.


Đây là những chuyên gia tầm cỡ thế giới hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, giáo dục và pháp luật.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đại diện giới học giả Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thông báo tới đại diện giới khoa học và làm nghiên cứu của Việt Nam tại Mỹ về các kết quả thiết thực trong hợp tác giữa hai nước về kinh tế - thương mại và đầu tư thời gian qua.

Việt Nam đánh giá cao và đang tích cực triển khai những kết quả đạt được trong các chuyến thăm cấp cao, cũng như các nội hàm cụ thể của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, định hình khuôn khổ quan hệ song phương cho giai đoạn mới, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Buổi trao đổi tập trung xoay quanh những đánh giá, nhận định về tình hình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và triển vọng tác động kinh tế - thương mại đối với Việt Nam khi thực thi TPP.

Các học giả cho rằng việc gia nhập TPP vừa là một lợi thế lớn về thị trường nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ cần có chính sách phát triển khối doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ hơn, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp vừa và tiếp tục trở thành một doanh nghiệp lớn.

Để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội trong nước, các học giả tán thành việc đổi mới hoạt động, đề cao tính tự chủ của các trường Đại học, cho rằng phải đẩy nhanh hơn quá trình này tại Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở nghiên cứu khoa học về sản xuất, thị trường, qua đó giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Cảm ơn những góp ý của các học giả, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong quá trình này, Chính phủ mong muốn nhận được những nghiên cứu góp ý nhiều hơn từ phía các học giả.

Hai bên bày tỏ được gặp lại nhau trong một cuộc hội thảo tổ chức ở trong nước để tiếp tục chia sẻ đầy đủ hơn những thông tin đối với sự phát triển của Việt Nam.

Theo VGP