– Người làm chứng được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng thì sẽ bị xử phạt.

Chiều 27/9, UBTVQH cho ý kiến về Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

Điểm b khoản 1 Điều 8 dự thảo Pháp lệnh quy định xử phạt “người làm chứng trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng”.

Tuy nhiên, UB Tư pháp của QH cho rằng quy định như trên là không thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 386 của Bộ luật tố tụng dân sự, quy định “người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc xét xử vụ án thì Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải, cảnh cáo, phạt tiền”.

Ngoài ra, điểm a khoản 2 Điều 9 của dự thảo Pháp lệnh này quy định xử phạt người có hành vi “làm giả, hủy hoại những chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án”.

UB Tư pháp cho rằng quy định như trên là quá rộng, dễ dẫn đến xử phạt tràn lan, không đúng pháp luật. Bởi điểm a khoản 1 Điều 385 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định làm giả, hủy hoại những chứng cứ “quan trọng” gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án thì mới bị xử phạt.

Dự thảo cũng quy định về mức phạt tiền và phân định xử phạt cá nhân với cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, UB Tư pháp nhận định khung phạt tiền còn quá rộng, mức phạt tiền khởi điểm so với mức tối đa trong từng khoản đối với hành vi bị xử phạt còn chênh lệch quá lớn, chưa bảo đảm hợp lý.

Người tham gia tố tụng tại Tòa án bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hành vi vi phạm bị xử phạt bao gồm hành vi do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện nhưng dự thảo Pháp lệnh chưa phân biệt rõ chủ thể có hành vi vi phạm bị xử phạt mà quy định chung, khó có thể áp dụng.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: Có phải tất cả các hành vi vi phạm tại tòa đều phải xử phạt hay không, hay chỉ một số hành vi? Còn Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thì lưu ý: Phiên tòa có cả hoạt động bên trong và bên ngoài, phân định thế nào để không chồng chéo với bên công an, rồi phiên tòa xét xử lưu động nữa thì sẽ khác gì?

Hơn nữa, theo Chủ tịch QH, tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án không chỉ có mỗi Tòa án mà còn có Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và cả các cơ quan liên quan khác song trong dự thảo Pháp lệnh chưa đề cập đến đầy đủ.

“Tòa muốn xử, muốn tuyên phải có chứng cứ, ông điều tra nếu đưa ra chứng cứ lộn xộn thì có xử phạt không?” – Chủ tịch QH hỏi.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chỉ ra: Đây là quyết định hành chính mà trong dự thảo Pháp lệnh không thấy nói đến quyền khiếu nại, đó là quyền của công dân.

Vì còn nhiều nội dung chưa được làm rõ như trên, đồng thời nhiều luật quan trọng như hình sự, điều tra, ... đang sửa đổi nên UBTV QH thống nhất Tòa án nhân dân tối cao cần ngồi lại với Viện kiểm sát, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để bàn bạc, sau kì họp QH lần thứ 8 tới đây thì UBTV QH sẽ tiếp tục xem xét dự thảo Pháp lệnh này, nếu cần thiết có thể đợi các luật trên được thông qua rồi mới tính tiếp.

Cũng trong chiều 27/9, UBTV QH thống nhất ý kiến nhất trí về việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Trong khối ASEAN, hiện nay đã có 8 nước phê chuẩn Công ước, 2 nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei.

Cẩm Quyên