- Thủ tướng cho rằng, ASEM cần có tư duy phát  triển mang tầm toàn cầu và cách tiếp cận liên ngành, đổi mới và sáng tạo liên quan đến an ninh về lương thực - nguồn nước - năng lượng.

Tiếp tục chương trình tham dự hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Milan, Italia, đêm qua theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM đã tham dự phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “Đối tác Á - Âu ứng phó với các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Manta được mời phát biểu dẫn đề phiên họp.

{keywords}

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Á-Âu tại phiên khai mạc hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10). Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để phối hợp hành động ứng phó với các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết, ASEM cần xác định phát triển bền vững là nội hàm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó con người phải là mục tiêu và là trung tâm.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đóng góp vào hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, thúc đẩy đạt thỏa thuận mới toàn cầu về khí hậu tại Hội nghị Paris và hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Hội nghị Sendai.

Thủ tướng cho rằng, ASEM cần có tư duy phát  triển mang tầm toàn cầu và cách tiếp cận liên ngành, đổi mới và sáng tạo liên quan đến an ninh về lương thực - nguồn nước - năng lượng.

Hiện nay cả hai châu lục Á- Âu đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở châu Á. Trước thực trạng biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức trở nên phức tạp và khó lường, Thủ tướng cho rằng ASEM cần đẩy mạnh nỗ lực chung về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phục hồi sau thảm họa, trong đó cần sớm thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin và hợp tác.

ASEM cũng cần phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn cũng như với các cơ chế khác. Trong đó, ASEM cần quan tâm thỏa đáng, tham gia hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mekong - Danube và tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với ba sáng kiến mới của Việt Nam tại Hội nghị ASEM 10 về “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo” và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững”...

Trước đó, sau lễ khai mạc ASEM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM đã tiến hành phiên họp phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác kinh tế - tài chính thông qua tăng cường kết nối Á - Âu”.

Phiên họp đánh giá kinh tế thế giới đang dần phục hồi, tuy nhiên còn thiếu bền vững, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó kinh tế châu Á tiếp tục là động lực của tăng trưởng toàn cầu và cải cách cơ cấu ở châu Âu đang tạo cơ sở để tăng trưởng mạnh hơn về trung hạn.

Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế - tài chính, thúc đẩy việc sớm thông qua Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO và tăng cường phối hợp chính sách với G-20, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, cân bằng và đồng đều.

Phiên họp đặc biệt đề cao việc kết nối giữa hai châu lục Á – Âu trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, cũng như khả năng tăng cường hợp tác, kết nối kỹ thuật số, hàng không, hợp tác vũ trụ…

Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) khai mạc ngày 16/10 tại Milan (Italia) có 10 có lãnh đạo cấp cao của 53 thành viên Diễn đàn hợp tác Á – Âu, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN.

Nối lại đàm phán FTA ASEAN-EU

Cũng trong ngày 16/10 tại Milan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự cuộc họp Cấp cao Không chính thức ASEAN-EU do VN và EU đồng chủ trì.

Tại cuộc họp, hai bên đề ra hững định hướng lớn nhằm nâng tầm và thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN-EU.

{keywords}

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10). Ảnh: VGP

Trong trao đổi về tình hình gần đây tại Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải tại Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp, và nguyên tắc không đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, và sớm đạt được COC.

Về kinh tế, hai bên nhất trí sớm nối lại đàm phán ASEAN-EU FTA sau năm 2015; gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ; và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. EU tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ASEAN trong xây dựng Cộng đồng, nhất là trong những lĩnh vực mà ASEAN ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực bộ máy điều hành.

Cũng trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 10 (gọi tắt là ASEM 10), chiều 16/10, (theo giờ Việt Nam) tại Trung tâm hội nghị TP Milan, Italy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu, Thủ tướng Italy, Thủ tướng Nhật và Thủ tướng Malaysia đã tham dự và phát biểu tại phiên Đối thoại với Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14.

Trong bài phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua các chương trình đối tác công – tư kêu gọi doanh nghiệp Á-Âu tiếp tục góp phần tích cực đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ xanh, sạch; đồng thời xây dựng thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, vừa giải quyết các thách thức này đang đặt ra, vừa đầu tư cho tương lai bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Triển vọng hình thành các tầng nấc liên kết kinh tế mới ở châu Á cùng việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 đang mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới và năng động, với một thị trường chung, không gian kinh tế thống nhất cho Đông Nam Á. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp Á – Âu nắm bắt và cùng triển khai các dự án kết nối ở châu Á, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, các dự án kết nối của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong.

L.Thư (tổng hợp)