- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm đối với việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi.

>> Từ 5/1 lấy ý kiến dân về bộ luật Dân sự sửa đổi
>> Không để lợi dụng việc lấy ý kiến dân về bộ luật Dân sự

Ba tháng cao điểm lấy ý kiến nhân dân để sửa bộ luật quan trọng này bắt đầu hôm nay (5/1) bằng buổi lễ long trọng công bố kế hoạch của Chính phủ triển khai nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2015.

{keywords}

Ảnh: Vietnam+

Nhấn mạnh đây là bộ luật nền, luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết bộ luật Dân sự sửa đổi phải thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản: Thứ nhất, tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự.

Hai là tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ba là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Ông Hà Hùng Cường chỉ ra 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân đối với dự thảo này, đều là những vấn đề mà qua lần đầu tiên cho ý kiến tại kỳ họp QH vừa rồi vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Đó là về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, nghĩa là có hay không có quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Hình thức sở hữu cũng có nhiều phương án đưa ra như sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng, sở hữu nhà nước...

Một vấn đề tranh cãi nữa là thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác. Hiện dự thảo đang quy định là thời điểm chuyển giao vật, tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối vật, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. Nếu luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Ngoài ra là các vấn đề về quyền nhân thân, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, thời hiệu…

Chỉ đạo thực hiện kế hoạch này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến là rộng rãi, huy động cả người VN ở nước ngoài, đảm bảo công khai, minh bạch, khoa học, tiết kiệm, huy động trí tuệ và quyền làm chủ của nhân dân.

“Lấy ý kiến thì dễ rồi, nhưng cũng như ta đã làm với Hiến pháp, quan trọng là tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến của nhân dân, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và công khai việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đối với từng ý kiến”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh yêu cầu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lặp, không in quá nhiều giấy tờ tài liệu không cần thiết, thay vào đó ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của Internet và các cơ quan truyền thông, phát thanh, truyền hình…

“Nếu việc lấy ý kiến được thực hiện tốt, hiệu quả, tính khả thi của bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng nhận định.

Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến nhân dân là 5/1 - 5/4. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi cần gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/9. Các tài liệu, thông tin cần thiết cũng được đăng tải đầy đủ trên trang web của Bộ Tư pháp.

Chung Hoàng

>> ĐB muốn bộ luật Dân sự bảo vệ quyền riêng tư
>> Lo luật mở dễ làm xã hội đen thắng thế
>> 'Dân sự càng nhiều luật, càng bó tự do'
>> Dân bí mới cần tòa, sao tòa lại từ chối?