Tháng 2/2014, cả thế giới tập trung vào Thế vận hội mùa đông tại Sochi, Nga, và những nỗ lực của Nga đã tạo ra thành công đáng kể. Nhưng chỉ vài ngày sau khi Olympic kết thúc, mọi chú ý lại đổ về Putin và quyết sách của Nga với bán đảo Crưm.


{keywords}
Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: wordpress

Việc Nga sáp nhập Crưm và những bất ổn ở miền đông Ukraina đã khiến quan hệ giữa Nga với phương Tây sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt.

Hôm nay, Sochi sẽ lại là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Nga Putin. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Kerry trong vòng 2 năm qua. Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, cuộc gặp “đã được xác nhận” cho dù phát ngôn viên của ông Putin nói trên đài phát thanh Nga sáng hôm qua rằng, chưa có quyết định về cuộc gặp hai bên.

"Chuyến công du là một phần nỗ lực của chúng tôi để duy trì đường dây thông tin liên lạc trực tiếp với các quan chức cấp cao Nga và đảm bảo mọi quan điểm của Mỹ được chuyển tải rõ ràng”, Harf nói trong tuyên bố thông báo về cuộc gặp của ông Kerry với Putin.

Trong khi Ukraina sẽ là “chủ đề đàm thoại lớn” giữa hai bên thì cuộc trao đổi còn tập trung vào các vấn đề ngoại giao khác mà Mỹ và Nga tiếp tục làm việc cùng nhau. Đó là thương thảo hạt nhân Iran, nội chiến Syria…

Ukraina

Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng áp lực với Nga về vấn đề Ukraina. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga dính líu đến những bất ổn ở miền đông Ukraina và vi phạm lệnh ngừng bắn.

Gần đây, quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, lực lượng mà Nga ủng hộ đang dùng thỏa thuận ngừng bắn để tái thiết lực lượng cho một cuộc tấn công khác vào quân chính phủ.

Nga mạnh mẽ bác bỏ việc này, cáo buộc chính phủ Ukraina vi phạm thỏa thuận và chỉ trích Mỹ can thiệp vào khu vực. Người Nga bóng gió rằng, chuyến thăm của ông Kerry là để “bình thường hóa quan hệ” hai nước.

Syria

Cuộc nội chiến Syria đã diễn ra hơn 4 năm trời với ước tính 210.000 người Syria thiệt mạng.

Cả Mỹ và Nga đều đã làm việc để tìm ra một giải pháp cho dù rất khó khả thi. Một điểm sáng là hai nước có thể hoàn tất thỏa thuận để Syria giao nộp vũ khí hóa học cho LHQ.

Tháng 2 trước, Mỹ và Nga đã chủ trì hòa đàm ở Geneva giữa chính quyền Assad và các phe đối lập. Tuy nhiên, hai bên đã đi chệch hướng khi chính quyền Assad muốn tập trung trao đổi về chống khủng bố trong khi phe đối lập muốn Assad từ bỏ quyền lực.

Iran

Mỹ và Nga đang làm việc hướng tới thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng các chi tiết cuối cùng vẫn cần được bàn thảo vào cuối tháng 6, nhất là về cách hiểu giữa Mỹ và Iran liên quan tới việc nới lỏng những biện pháp cấm vận quốc gia hồi giáo.

Chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận được công bố, Moscow đã dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Iran. Động thái này bị chính quyền Obama chỉ trích.

Thái An (theo Abcnews)