- Luật trưng cầu ý dân được QH thông qua chiều nay quy định khi một nội dung trưng cầu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành là có giá trị thi hành.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý giải trình dự thảo luật trước khi thông qua nhấn mạnh: Biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân là quyền của công dân, kết quả trưng cầu cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân. 

{keywords}

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý

Muốn vậy, kết quả này cần được xác lập trên cơ sở có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cần thiết (3/4) và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành để thể hiện sự đồng thuận cao của cử tri cả nước đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu.

Theo đó, luật quy định: Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu về Hiến pháp phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành.

Một số ĐB đề nghị quy định cụ thể rõ các vấn đề quyết định trưng cầu ý dân; bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình.

Ông Phan Trung Lý cho hay, những vấn đề trên nằm trong các quy định của Hiến pháp và đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác đã thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội.

Luật được thông qua nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân; dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn…

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Sử dụng vỉa hè, lòng đường phải nộp phí

Theo luật Phí và lệ phí được QH thông qua chiều nay, từ 1/1/2007, các địa phương sẽ thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Mức phí cụ thể sẽ do HĐND cấp tỉnh quy định.

{keywords} 

Theo giải trình của UBTVQH, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố.

Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu NSNN khá lớn của nhiều đô thị.

Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của NSNN.

Trong danh mục phí và lệ phí được quy định trong luật còn có lệ phí quản lý nhà nước đặc biệt về chủ quyền quốc gia. Trong đó có lệ phí hoa hồng chữ ký trong lĩnh vực dầu khí.

Luật cũng quy định chuyển 17 loại phí sang cơ chế giá. Trong đó có một số loại phí người dân thường gặp như: phí giữ xe, phí vệ sinh, phí chợ, phí qua đò phà…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Chung Hoàng - Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long