- Theo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi được thông qua tại phiên họp QH sáng nay, chậm nhất đến 1/1/2019 cả nước sẽ thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi được QH thông qua với tỉ lệ 85,63% tán thành.

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện cho biết nhiều ĐB tán thành bắt buộc ghi âm, ghi hình mọi hoạt động hỏi cung. 

Nhiều ĐB khác cho rằng chỉ nên bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung trong các trường hợp tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm để bảo đảm tính khả thi, tránh lãnh phí.

{keywords}
Ảnh: Hoàng Long

Sau khi lấy ý kiến, 45,95% ĐB tán thành bắt buộc ghi âm, ghi hình mọi hoạt động hỏi cung, 34% đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung trong trường hợp tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.

QH ra Nghị quyết giao Bộ trưởng Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1/1/2017.

"Chậm nhất đến 1/1/2019 thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc", Nghị quyết nêu.

Nguyên tắc suy đoán vô tội

Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi cũng quy định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội".

Bộ luật cũng quy định người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội, có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi có hiệu lực 1/7/2016.

Chung Hoàng