- Nếu nhà nước chỉ đầu tư về nông thôn để tái cân bằng xã hội, nếu tư nhân chỉ đầu tư cho nông nghiệp để đầu cơ nông sản thì một thảm họa tổng hợp cho thế giới cả về kinh tế, xã hội và môi trường là khó tránh khỏi.

Đứng trước thách thức đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới bế mạc hôm nay (30/1) ở Davos, Thụy Sĩ đã đưa ra một chương trình hành động có tên “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”. Đây là sáng kiến của 17 công ty đa quốc gia đối tác của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chuẩn bị 18 tháng qua, với sự tham gia của 350 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nước, xã hội dân sự, tổ chức quốc tế và các nhà khoa học.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ngồi ngoài cùng bên trái là cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan
Đáng chú ý, mô hình sáng kiến được chính thức đưa ra thảo luận với các nhà lãnh đạo toàn cầu trong một phiên họp chuyên đề. Về phía chính khách, có cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon, Bộ trưởng Nông nghiệp của Hoa Kỳ, Việt Nam, Tanzania, Tổng thống Tanzania, Phó Thủ tướng Việt Nam...

Các cơ quan phát triển quốc tế có lãnh đạo Tổ chức phát triển và hợp tác Thụy Sĩ, Cơ quan Phát triển quốc tế Anh, Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc..., cùng đông đảo đại diện các công ty toàn cầu.

Một trong những vấn đề trầm kha khá phổ biến trên thế giới trong cả trăm năm qua là tình trạng nhiều quốc gia tiến mạnh vào công nghiệp hóa đã bỏ rơi nông nghiệp, lãng quên nông thôn. Kết quả là đầu tư cho lĩnh vực này ngày càng giảm, khoảng cách bất công bằng kinh tế và xã hội ngày càng tăng giữa nông thôn và thành thị. Mất ổn định chính trị, xã hội là vấn đề đau đầu cho lãnh đạo nhiều quốc gia. Đầu tư cho nông nghiệp được coi là trách nhiệm của các nhà nước.

Từ năm 2008 trở lại đây, giá nông sản liên tục tăng cao, giới kinh doanh tư nhân chú ý đến nông sản là hàng hóa khá an tòan về mặt tài chính, không bị ràng buộc bởi các qui định kiểm sóat thị trường. Mua bán các hợp đồng giao sau lương thực, thực phẩm trở thành thị trường phái sinh béo bở. Theo WDM, các ngân hàng và quĩ đầu tư tư nhân quốc tế đã chuyển 200 tỷ USD từ thị trường phái sinh địa ốc sang đầu cơ lương thực, thực phẩm. Loại đầu tư này đã chiếm đến 70-80% doanh nghiệp trên thị trường Mỹ từ 3 năm nay. Những khoản tiền to lớn này không làm tăng sản lượng lương thực thế giới và không đem lại lợi ích cho nông dân các nước phát triển.

Trong 10 năm tới, giá lương thực toàn cầu rất có thể tăng tiếp, 40-50 năm nữa loài người cần gấp đôi sản lượng lương thực hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu tòan cầu diễn biến ngày càng phức tạp. Các nguồn tài nguyên như đất, nước, lao động… ngày càng bị rút ra khỏi nông nghiệp. Nếu nhà nước chỉ đầu tư về nông thôn để tái cân bằng xã hội, nếu tư nhân chỉ đầu tư cho nông nghiệp để đầu cơ nông sản thì một thảm họa tổng hợp cho thế giới cả về kinh tế, xã hội và môi trường là khó tránh khỏi.

Bản lộ trình để thực hiện tầm nhìn nông nghiệp mới đề ra cho ngành nông nghiệp ngoài nhiệm vụ nuôi sống và cung cấp năng lượng cho loài người còn có một vai trò rộng lớn bao gồm cả sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ môi trường, và những đóng góp xã hội để phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và đa dạng hóa cuộc sống.

Trong hoàn cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng hiếm hơn, sản xuất nông nghiệp vẫn phải làm ra ngày càng nhiều của cải cho xã hội. Không những thế, nông nghiệp còn phải giải quyết đủ lương thực cho 1 tỷ người đang bị đói hiện nay và giảm nghèo cho ¾ số người nghèo đang sống ở nông thôn. Phải làm sao để nông dân là người được hưởng lợi nhiều nhất, và là giải pháp chính cho phát triển nông nghiệp.

Để đạt tới tầm nhìn Thiên niên kỷ cho một nền nông nghiệp mới là tăng sản xuất lên 20% trong khi giảm mức thải carbon bớt 20%, giảm tỷ lệ người nghèo sống ở nông thôn 20% mỗi thập kỷ tới đây, với chủ trương huy động chính sức mạnh của cơ chế thị trường, bản lộ trình này kêu gọi sự phối hợp của mọi đối tượng liên quan đến sản xuất nông nghiệp bao gồm: nông dân, doanh nghiệp, chính phủ và xã hội công dân.

Bài học từ ngành công nghiệp và dịch vụ cho thấy dù cơ hội tốt đến mấy, nếu không có chiến lược phát triển khôn ngoan, sự chuẩn bị tốt về nội lực thì sự tăng trưởng có được cũng kém hiệu quả và không vững bền.

Trong suốt cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh và ra thị trường, có biết bao vướng mắc cần có sự phối hợp để tháo gỡ, đó chính là mong muốn và cam kết của những đối tác tham gia xây dựng bản lộ trình này. Một sự thay đổi hệ thống được đề xuất bao gồm cả chính sách đúng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết cấu thị trường hợp lý, trên cơ sở đó các giải pháp kỹ thuật và quản lý mới áp dụng và phát huy được.

Trong 2 năm qua, tại Tanzania, Chính phủ và các doanh nghiệp đã phối hợp xây dựng một sáng kiến mới về hợp tác công -tư theo hướng hình thành một kế họach mở ra một hành lang phát triển theo lãnh thổ, kết nối từ các vùng sản xuất nông nghiệp sâu trong nội địa, nối liền với cửa khẩu xuất cảng ở ven biển, dọc theo hành lang này, một hệ thống kết cấu hạ tầng tử thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp đến kho tàng, bến cảng, đường giao thông, và các dịch vụ phương tiện vận tải sẽ được cả nhà nước và tư nhân phối hợp xây dựng để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với các khu công nghiệp chế biến, và các trung tâm thương mại, nâng cao giá trị của các loại nông sản là thế mạnh của quốc gia.

Tại Việt Nam, trong vòng nửa năm từ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á họp tại TP Hồ Chí Minh năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành 5 nhóm công tác phân chia theo một số ngành hàng chính như cà phê, chè, thủy sản, rau quả và nhóm ngành hàng chung.

Tại từng nhóm, các cuộc họp định kỳ giữa đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của ngành và một số đại diện hiệp hội, địa phương đã hình thành các sáng kiến khác nhau để xây dựng các tổ chức quản lý ngành hàng với sự tham gia của các tác nhân khác nhau, xây dựng kế họach hoạt động để phát triển ngành hàng như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tiến hành nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, tổ chức áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và vệ sinh an tòan thực phẩm chính, hình thành kênh phân phối, tổ chức hoạt động khuyến nông… Các hoạt động đều dựa trên các mô hình thí điểm gắn với các tổ chức nông dân tại các địa bàn thích hợp có khả năng mở rộng qui mô sản xuất trong tương lai.

Tại Davos năm nay, các đại biểu đến từ nhiều tổ chức và các quốc gia, các doanh nghiệp toàn cầu đã lắng nghe trực tiếp lãnh đạo của ngành nông nghiệp hai nước. Các công ty lớn đã tham gia chuẩn bị các sáng kiến trình bày về khả năng thực tế và những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện các sáng kiến.

Lần đầu tiên, một lộ trình phức tạp và tham vọng định hướng cho một nền nông nghiệp tương lai có cơ hội để hiện thực hóa tại hai quốc gia đang phát triển. Bài trình bày của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đã thu hút được cảm tình đặc biệt của đông đảo cử tọa.

Từ các buổi trước, thành tích xuất sắc của nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên trong hoàn cảnh không hoàn toàn thuận lợi đã được nhiều doanh nghiệp và quốc gia quan tâm theo dõi. Những câu trả lời trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm cử tọa rất phấn chấn khi nhận thấy cam kết rõ ràng của Chính phủ với sự nghiệp phát triển nông thôn và lợi thế to lớn của Việt Nam về nông nghiệp. Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức phát triển tỏ ý muốn cùng Việt Nam nắm lấy cơ hội này chuyển nó thành hiện thực.

Nếu biết rằng sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên trong hoàn cảnh đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới, đặc biệt đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp hầu như không đáng kể thì mới thấy một cơ hội thu hút một nguồn vốn lớn từ các tập đoàn đa quốc gia vào thẳng sản xuất nông nghiệp sẽ đem lại cơ hội to lớn cho nông dân Việt Nam tiếp thu khoa học công nghệ và kỹ năng quản lý mới.

Điều này cho phép chúng ta kết nối hệ thống phân phối còn rất sơ khai của mình vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ đó áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn hiện đại, giảm thấp rủi ro của các cạnh tranh không công bằng và các biện pháp bảo vệ thị trường của các quốc gia nhập khẩu. Có thể nói giống như công nghiệp Việt Nam đã tranh thủ thời cơ đầu tư và thị trường nước ngoài để phát triển nhanh trong thời gian qua, phải chăng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam có cơ hội cất cánh?

Mặt khác, cũng từ bài học của ngành công nghiệp và dịch vụ, chúng ta đã thấy dù cơ hội tốt đến mấy, nếu không có một chiến lược phát triển khôn ngoan, một sự chuẩn bị tốt về nội lực thì sự tăng trưởng có được cũng kém hiệu quả và không vững bền.

Trong trường hợp ngành nông nghiệp, muốn dành thế chủ động trong quá trình tham gia vào liên kết kinh tế toàn cầu, trước hết, số đông nông dân sản xuất nhỏ phải được nhanh chóng tổ chức lại trong các hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng, các hội nông dân thực sự vững mạnh và hiệu quả. Các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp phải nhanh cóng vươn lên ccả về công nghệ, quản lý và tổ chức lại trong các hiệp hội đủ mạnh. Các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt công tác qui họach, cung cấp dịch vụ công và định hướng xây dựng kiết cấu hạ tầng. Chúng ta phải chủ động sắp sẵn thế trận để liên kết với lực lượng đồng minh mới trước khi cùng bước vào cuộc đấu toàn cầu.

Cơ hội đi liền thách thức. Cùng với xuân mới, tín hiệu mới từ Davos là tin vui cho đông đảo bà con nông dân Việt Nam.

TS Đặng Kim Sơn (từ Davos)