Khi sự việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xử lý khá tốt cú điện thoại gọi tới từ Cairo vào lúc 3h sáng. Nhưng bất ổn chính trị tiếp tục lan rộng khắp Ảrập, mang tới nhiều thách thức cho trật tự cũ và những bất an cho thế giới mới, điện thoại của Tổng thống Mỹ có thể còn đổ chuông nhiều lần nữa, có thể là Bahrain hôm nay, hay Jordan ngày mai?

Những diễn biến không ngừng, những thay đổi theo chiều hướng bạo lực có thể đưa tới một nhiệm vụ bất khả thi: Mỹ có thể xây dựng một chính sách toàn diện khi các lợi ích và giá trị xung đột với chính các chính sách của họ?

Để thành công, Obama sẽ phải nhanh chóng thay đổi chính sách áp dụng với Israel, Iran và các quốc gia Ảrập. Tổng thống Mỹ có thể nói chuyện cả ngày dài về mặt trái của lịch sử - song có lẽ, với chương trình tự do mới, Mỹ có thể làm một công việc tốt hơn ở mặt phải của lịch sử. Nhưng Mỹ đã đầu tư vào những chế độ chuyên quyền ở Ảrập, Mỹ đang quan ngại rằng những thay đổi mạnh mẽ trong khu vực này có thể ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia và mối quan hệ “độc quyền” với Israel dường như sẽ khiến cả những người dân chủ và chuyên quyền tại Ảrập xa lánh. Sự thực là: Mỹ đang mắc kẹt, và hỗn loạn vẫn còn đang chờ đợi phía trước.

  

Biểu tình tiếp tục lan rộng tại Bahrain. Ảnh: Reuters

Trừ phi bạn là người phê bình Obama một cách mạnh mẽ, nếu không bạn phải thừa nhận rằng, Tổng thống Mỹ đã vượt qua cuộc khủng hoảng đầu tiên trong chính sách đối ngoại của mình khá tốt. Ông một lúc tung hứng tới ba quả bóng mà không làm rơi lần nào: Mạnh mẽ tán thành với thay đổi của các lực lượng hòa bình; thúc giục quân đội Ai Cập thể hiện sự kiềm chế và buộc Tổng thống Hosni Mubarak rời nhiệm sở mà không công khai kêu gọi lật đổ ông.

Cứ cho là, Obama đã được giải cứu bởi một cuộc khủng hoảng chấm dứt như một bộ phim của Hollywood - người biểu tình sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống và lật đổ một vị lãnh đạo trong khoảng thời gian kỷ lục. Nhưng không thể phủ nhận rằng, ngoại trừ quá nhiều báo cáo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã dùng ảnh hưởng của mình một cách hoàn hảo trong tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn rất gập ghềnh. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Bahrain đã đủ là minh chứng rõ ràng. Khi các phong trào đối lập ngày càng gia tăng sức ép với các nhà lãnh đạo, thì sự mâu thuẫn trong cách tiếp cận truyền thống của Washington với khu vực Trung Đông sẽ có thể định hình rõ nét trong hai phương diện: Mâu thuẫn ngày một lớn giữa việc ủng hộ các chính quyền - vốn chia sẻ lợi ích nhưng không phải là giá trị của Mỹ. Và sự bất đồng giữa các lợi ích, chính sách Mỹ ngày một lớn cộng với thách thức không nhỏ khi người dân Ảrập muốn thoát khỏi quyền lực của các nhà lãnh đạo cầm quyền quá lâu.

Tại Bahrain, nơi Washington có những lợi ích an ninh quan trọng, lực lượng an ninh đã sẵn sàng hành động đàn áp người biểu tình - đây là thách thức trực tiếp khi Mỹ luôn kêu gọi thái độ kiềm chế với những người dân đổ xuống đường tuần hành. Liệu Mỹ sẽ âm thầm nỗ lực để khiến Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa rời bỏ quyền lực, giống như đã từng làm với Mubarak?

Và, điều gì sẽ xảy ra ở Ai Cập nếu quân đội không nhanh chóng thực hiện cải cách như phe đối lập yêu cầu? Một không gian chính trị mới sẽ mở ra và quân đội sẽ sẵn sàng từ bỏ những đặc quyền đã có trong nền kinh tế? Đe dọa giảm bớt hoặc cắt bỏ viện trợ quân sự Mỹ là một chọn lựa. Nhưng điều này là con dao hai lưỡi khi ngày càng có nhiều hoài nghi về khả năng Mỹ có thể thúc đẩy quân đội Ai Cập - chìa khóa duy trì và đảm bảo sự ổn định tại quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Washington tại thế giới Ảrập - tiến tới đâu.

Mỹ có thể thu hẹp khoảng cách giữa giá trị - lợi ích. Nhưng đây không phải là sứ mệnh dễ dàng. Mỹ không có quyền áp đặt các quan điểm của họ về quản trị lên các quốc gia khác. Và, các lợi ích của Mỹ - tiếp cận hải quân với các hải cảng Bahrain, bán khí tài quân sự hiện đại cho Ảrập Xêút để đối phó lại với Iran, hợp tác với Yemen trong cuộc chiến chống khủng bố, duy trì hòa bình Ai Cập và Israel - sẽ bị hạn chế mạnh mẽ, đồng thời đòi hỏi Mỹ cần có sự chuẩn bị khi yêu cầu nhân quyền và cải cách tăng cao.

Thứ hai, mối quan hệ của Mỹ với Israel và các chính sách Trung Đông có thể tạo ra một “cột thu lôi” trong thế giới Ảrập tự do mới. Các nhà lãnh đạo Ảrập - đặc biệt là Ai Cập và Jordan - đã sử dụng quan hệ đặc biệt giữa Mỹ với Israel để khai thác lợi thế của họ. Khi các phong trào đối lập, cả trong và ngoài chính phủ, đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách của những quốc gia này, việc chỉ trích chính sách Mỹ - Israel - như cách tiếp cận với Gaza, Hamas, đình trệ tiến hình hòa bình Ảrập và Israel - sẽ chỉ ngày càng gia tăng.

Ông Mubarak chơi quân bài chống Israel khá tốt. Nhưng trong suốt 30 năm cầm quyền, ông cũng tán thành một số chính sách của Israel về các khu định cư, Gaza... Ông cũng chứng minh là người ủng hộ kiên định chính quyền Palestine, về sự cứng rắn với Hamas và việc ông sẵn sàng thế nào trong nỗ lực có một mối quan hệ với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Những ngày ấy đã qua đi, thỏa thuận với Israel có thể vẫn còn lại. Nhưng một Ai Cập mới sẽ “rà soát” thỏa thuận ấy một cách thận trọng, và đưa ra chính sách cứng rắn hơn với các hành động của Israel tại Gaza cũng như trong hoạt định xây dựng các khu định cư.

Dĩ nhiên không phải là các cam kết của Mỹ với Israel sẽ thay đổi. Quan hệ hai bên được thúc đẩy mạnh mẽ với sự kết hợp của các giá trị cùng chia sẻ, lợi ích an ninh và chính trị, thậm chí có thể phát triển gần gũi hơn. Khi những người đối lập Ảrập đổ xuống đường phố - và giờ đây xuất hiện ngày một lớn trong các hành lang quyền lực, khuynh hướng của Washington sẽ là ủng hộ người Israel và làm cho họ có cảm giác an toàn. Song nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình để xây dựng uy tín của Mỹ có thể gặp khó khăn. Giống như các nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán, lãnh đạo Ảrập và Israel có thể miễn cưỡng khi đưa ra những quyết định mạo hiểm trong một giai đoạn đầy bất ổn và thay đổi này.

Trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài, giờ đây được “tái tạo năng lượng” bằng những lực lượng hùng mạnh tìm kiếm cải tổ chính trị, xã hội và kinh tế, Trung Đông có thể trở thành một khu vực hòa bình hơn, dân chủ hơn. Nhưng với hiện tại và với nước Mỹ, một Trung Đông mới có thể có những rắc rối chả khác gì thời cũ.

  • Thái An (Theo seattlepi)