- Dành một thời gian khá dài và rất cởi mở với Tuần Việt Nam, ông nghị Hoàng Hữu Phước tỏ ra “lấy làm tiếc” và “cần rút kinh nghiệm” về những gì đã viết về nhà sử học Dương Trung Quốc. Sau lời xin lỗi gửi đến nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Phước mong muốn được làm sáng tỏ với mọi người những trăn trở suy tư của mình với tư cách một Đại biểu Quốc hội, một doanh nhân, một nhà tư vấn. Xa hơn nữa là một nhà giáo dạy Cao đẳng sư phạm, có nhiều học trò nay đã thành danh.

Ông Phước bộc bạch:

Tôi không lường được hậu quả như thế này. Tôi viết rất vô tư. Trước đây, những ý kiến của anh Quốc phát biểu tôi cũng đều viết nhiều bài phản biện lại trên blog. Nhưng những bài đó tôi không nêu tên anh Quốc. Lần này tôi đã sai vì nêu đích danh. Tôi sai vì tôi và anh ấy đều là Đại biểu Quốc hội. Những căng thẳng, bất đồng có thể trình bày tại những diễn đàn của Quốc hội hoặc với những nhà lãnh đạo Quốc hội. Đây là điều tôi phải rút kinh nghiệm. Tôi đã gửi lời xin lỗi đến anh Dương Trung Quốc ngay sau đó…Tôi sẽ viết thư xin lỗi. Việc đầu tiên tôi sẽ làm khi gặp anh ấy là chủ động bắt tay xin lỗi…

Xin chia sẻ với ông tâm trạng nặng nề, phải xử lý chuyện đã xảy ra“nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Tôi nghĩ, cởi mở thẳng thắn là biện pháp giải quyết hay nhất lúc này…

Xin cảm ơn anh, tôi cũng nghĩ như vậy! Khi viết tôi không để ý tới những điều khác, không lường trước hậu quả, rất trực ngôn như lời tâm sự, chỉ nghĩ tới những điều lớn hơn của đất nước với tâm trạng lo lắng, băn khoăn.  

Ảnh Tá Lâm

Ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông khi viết bài về 4 sai lầm của ông Dương Trung Quốc mà anh gọi là “tứ đại ngu”: Xuất phát từ đâu khiến cho cảm xúc của anh đè bẹp cả lý trí, dùng ngôn ngữ mang tính thóa mạ cá nhân, hơn là phản biện? Nhất là bài viết được ông đưa lên blog ngay thời điểm cũng rất nhạy cảm: Năm cũ đang qua, năm mới đang về. Đó là khoảng khắc rất thiêng liêng với người Việt chúng ta?

Có nhiều vấn đề lắm! Trước đó là dự luật biểu tình, rồi các bài trả lời phỏng vấn trên BBC về sự kiện nóng gần đây. Tôi nghĩ tình hình đất nước đang gặp nhiều khó khăn, niềm tin của dân bị sút giảm, kinh tế khó khăn, cần trên dưới một lòng để giải quyết, khắc phục và vượt qua hơn là nói như vậy.

Còn về thời điểm, tôi nghĩ thời khắc cuối năm cần có nhìn lại, “tổng kết” năm cũ để chuẩn bị cho năm mới.

Quan điểm hợp pháp hóa mại dâm đã được đặt ra từ lâu, gần 20 năm qua. Gần đây, một nữ cán bộ cao cấp tiếp tục đặt vấn đề và Quốc hội đã đưa ra bàn thảo. Như vậy ĐB Dương Trung Quốc không phải là người khởi sự vấn đề này. Tại sao ông lại nghĩ rằng ĐB Quốc sai lầm khi ủng hộ hợp pháp mại dâm?

Ý tôi muốn nói sai lầm ở chỗ, anh Quốc là Đại biểu ở tỉnh Đồng Nai, nơi có rất nhiều cử tri tôn giáo đã bỏ phiếu cho anh. Và, anh Quốc nói về thân phận phụ nữ trong vấn đề mại dâm trong khi thực tế mại dâm hiện nay mại dâm không chỉ nữ mà con mại dâm nam, mại dâm đồng tính v.v…Chúng ta không nên phân biệt giới tính nên phải tính toán kỹ lại. Đưa ra vội vã là chưa phù hợp lúc này.

Anh đã từng bị “vạ miệng” khi  phản bác  lại dự luật Biểu tình mà Chính phủ trình Quốc hội khi cho rằng “biểu tình  là chống Chính phủ” và “dân trí ta còn thấp”…

Thực sự không phải vậy. Tôi không hề nói “Dân trí ta thấp”! Báo chí đã gắn vào câu đó! Một tờ báo lớn tại TP.HCM đã rút tít tôi nói như vậy nhưng trong phần nội dung không hề có câu đó. Tôi đã viết bài nói rõ trên blog của mình. Hậu quả là tôi phải hứng chịu búa rìu dư luận dữ dội. Điện thoại của tôi nhận được nhiều tin nhắn hăm dọa sát hại gia đình vợ con. Tôi đã phải chịu đựng từ lâu nay.

Còn về biểu tình, tôi cho rằng cần thận trọng vì chữ biểu tình không phải chỉ đơn giản là  “biểu lộ tình cảm” như một số ý kiến khác. Có thể chính kiến của tôi so với một số đại biểu khác nhau, song, cũng là nỗi lo cho vận mệnh, tương lai đất nước trong bối cảnh khó khăn chung.

Xuất thân từ nhà giáo, rồi làm việc ở nhiều công ty nước ngoài, có bằng thạc sĩ kinh doanh quốc tế, là doanh nhân, trở thành Đại biểu Quốc hội, có nghĩa ông được xem là chính khách. Đã là chính khách thì ngoài tìm hiểu, nghiên cứu đóng góp vấn đề gì còn phải có phương pháp để tập hợp, thuyết phục, lôi cuốn quần chúng, cử tri… Những chuyện xảy ra cho thấy dường như ông chưa chú ý đến vai trò của chính khách cho lắm?   

Tôi xin nhìn nhận tôi đã sai về phương pháp. Dù thế nào chăng nữa thì tôi phải khắc phục và thay đổi.

Trong cuộc gặp với phóng viên báo Viet Weekly, họ nói rằng tôi là một chính khách, tôi trả lời thế này: Nói thật với bạn, chính khách là người làm chính trị. Ở Việt Nam có nhiều người làm Đại biểu Quốc hội tức là làm chính trị, nhưng với tôi, tôi không nghĩ như vậy. Ở nước ngoài trở thành nghị sĩ, thượng nghị sĩ là bỏ hết công việc của mình để tập trung làm nhiệm vụ chính trị với mức lương đủ sống và thuê thư ký, người giúp việc v.v… Họ làm mọi thứ cho đất nước của họ một cách chuyên nghiệp. Họ thường là luật sư, hoặc được kinh qua các trường chính trị, phải có những hoạt động chính trị, xã hội nào đó chứ không phải có tiền, tỷ phú là làm chính trị được.

Ở Việt Nam mình, vào Quốc hội như tôi là đại biểu dân cử, tôi thu xếp công việc, thời gian để đi họp, tức là chỉ “bán chuyên trách”. Nói tôi là chính khách thì lớn quá. Tôi là người ngoài Đảng, tham gia Đại biểu Quốc hội với suy nghĩ rằng mình còn sức khỏe, tham gia một nhiệm kỳ cố gắng làm được, đóng góp được cái gì hay cái đó thôi.    

Có nhiều luồng dư luận cho rằng, ông “bảo hoàng hơn cả vua” qua những ý kiến tại Quốc hội, các bài viết, bài trả lời phỏng vấn… Thậm chí, họ còn đồn đoán rằng ông có ý đồ “lấy điểm” để “tiến xa” hơn nữa…

Như tôi đã nói, tôi là Đại biểu dân cử, không Đảng, tức phi chính trị. Tất nhiên, trong đầu  đã có định hướng phục vụ đất nước đi theo đường lối của Đảng đã là chính trị rồi. Phi chính trị ở đây tôi muốn nói là không “giấy chứng nhận”, “có thẻ”…

Nhiều trang mạng, blog ở nước ngoài đã dè bỉu tôi “muốn lấy điểm” để lên chức lên quyền, leo lên vị trí cao. Lập luận như vậy rất ấu trĩ, không hiểu gì cả. Các anh biết rõ, dù tôi có vô Đảng, chưa phản đối luật Biểu tình, chưa phản đối Trung Quốc thì tôi cũng chẳng có cái gì để trở thành quan chức, Bộ trưởng, thứ trưởng được cả. Tôi là người làm tư nhân. Theo quy định ở Việt Nam, không thể trở thành quan chức được! 

Dù đã gỡ bỏ bài viết trên blog, gửi lời xin lỗi đến ông Dương Trung Quốc, nhưng áp lực dư luận không vì thế mà giảm đi. Ngược lại, càng gia tăng dồn dập. Ông phải liên tục trả lời báo chí và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM do áp lực từ cử tri dội đến. Ông phải lặp đi lặp lại những câu như: “ Xin lỗi ông Dương Trung Quốc”, “Mình sai thì phải nhận lỗi và khắc phục, sửa chữa!”…Xem ra, chuyện làm vừa lòng dư luận sau sự cố “Tứ đại ngu” này khó tựa như hái sao trên trời… Sau những chuyện ầm ĩ này ông có còn giữ chính kiến của mình nữa không?

Đó là 2 chuyện khác nhau. Tôi sai về phương pháp thể hiện thì tôi phải sửa sai, phải thay đổi. Cái sai phương pháp của tôi ảnh hưởng đến anh Quốc nên tôi phải xin lỗi. Nhưng quan điểm, chính kiến của tôi về các vấn đề trọng đại cuả đất nước thì tôi vẫn bảo lưu và phải bảo lưu.

Ông có nhận ra quan điểm của anh về các vấn đề trọng đại đó đã thành thiểu số không?

Tôi chưa được đồng thuận của nhiều người nên ý kiến của tôi là thiểu số!


Còn nữa

  • Duy Chiến - Thái Thiện