Những đánh giá dưới đây được ghi nhận từ các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, các hội nghị cũng như báo cáo của nhiều ban ngành trong năm 2012. Có đối chiếu với một số nước trong khu vực và thế giới tuy chưa đầy đủ nhưng phần nào cũng cho thấy “cái được” và “chưa được” của chúng ta trong năm 2012 vừa qua.

Việt Nam xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới

- Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7,7 triệu tấn và đứng thứ hai thế giới. Ấn Độ với chính sách bán gạo giá rẻ và lợi thế về địa lý với thị trường châu Phi đã tăng mạnh lượng xuất khẩu lên đến 8,7 triệu tấn để vượt qua cả Việt Nam và Thái Lan.

- Về cà phê, theo Tổ chức Cà phê quốc tế (IOC) Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nhà xuất khẩu cà phê số 1 trên thế giới trong năm 2012 nhờ sản xuất được mùa lại được giá. Tính theo niên vụ cà phê (từ 1-10-2011 đến 30-9-2012), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính khối lượng xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 3 tỉ USD. Tuy vậy, nếu tính theo sản lượng thì Việt Nam vẫn đứng thứ hai sau Brazil về xuất khẩu cà phê.

- Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết trong 10 tháng đầu năm 2012, lượng điều xuất khẩu ước đạt 181.000 tấn, kim ngạch 1,224 tỉ USD, tăng 25,8% về lượng và 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt điều nhân số một thế giới. Xuất khẩu những tháng còn lại có xu hướng giảm nhẹ nhưng không đáng kể.

- Về cao su, năm 2012 Việt Nam đứng thứ tư về xuất khẩu cao su thiên nhiên với khoảng gần 1 triệu tấn, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thông tin này được Hiệp hội Cao su Việt Nam công bố trong một hội nghị diễn ra hồi cuối tháng 11-2012.

- Thông tin từ kỳ họp lần thứ 40 của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) mới đây cho thấy khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của quốc tế năm 2012 là 205.752 tấn, trong đó Việt Nam xuất khẩu 118.400 tấn, chiếm hơn 50% thị phần và là nước xuất khẩu hạng nhất, với khoảng cách khá xa so với nước đứng nhì là Ấn Độ.


Đứng thứ 7 thế giới về kiều hối năm 2012

Trong báo cáo cập nhật được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 11, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2012 có thể đạt con số 9 tỉ USD, đứng thứ bảy trong nhóm các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2012.

Đứng đầu danh sách này là Ấn Độ với con số kỷ lục 70 tỉ USD. Tiếp theo là Trung Quốc (66 tỉ), Mexico và Philippines mỗi nước nhận 24 tỉ USD. Các nước khác nhận được nhiều kiều hối gồm có Nigeria (21 tỉ USD), Ai Cập (18 tỉ USD), Pakistan và Bangladesh mỗi nước nhận 14 tỉ USD, Việt Nam (9 tỉ USD) và Lebanon (7 tỉ USD).

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam dự báo lượng kiều hối thực tế sẽ cao hơn con số WB đưa ra, tức là khoảng 10-11 tỉ USD.

Nằm trong Top đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Niềm tin tiêu dùng

Bốc xếp gạo xuất khẩu ở cảng Sài Gòn

Theo thông tin từ MasterCard Worldwide, Việt Nam xếp thứ ba trong số các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Chỉ số Niềm tin tiêu dùng. Chỉ số này được xác định dựa trên năm yếu tố: thu nhập bình quân, chất lượng cuộc sống, thị trường chứng khoán, nền kinh tế và việc làm.

Báo cáo Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng nửa đầu năm 2012 của MasterCard Worldwide công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy Ấn Độ là quốc gia lạc quan nhất ở châu Á - Thái Bình Dương với 82,1 điểm. Tiếp theo đó là Trung Quốc (77,4 điểm), Việt Nam (77,2 điểm) và Thái Lan (75,8 điểm). Mặc dù niềm tin tiêu dùng của Việt Nam giảm nhẹ 1,6 điểm nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Chi phí sinh hoạt tại TP.HCM rẻ nhất Đông Nam Á

Theo khảo sát Chi phí sinh hoạt năm 2012 tại 425 địa điểm ở 193 quốc gia và vùng lãnh thổ của Công ty Tư vấn ECA International, TP. Hồ Chí Minh là thành phố rẻ nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 217 trên toàn cầu. Thành phố Hà Nội đắt hơn, xếp ở vị trí 204.

Cuộc khảo sát của ECA International đã so sánh những biến chuyển trong một năm qua, tính từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2012. Các chi phí sinh hoạt trên chịu ảnh hưởng của lạm phát, lượng hàng hóa sẵn có và tỷ giá hối đoái.

Để giúp các công ty đa quốc gia tính toán lương, ECA tiến hành hai cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt mỗi năm, so sánh một giỏ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ thường được mua tại hơn 400 quốc gia trên thế giới.

Xếp thứ 8 thế giới về tiêu thụ vàng

Theo báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng năm 2011 (Global Demand Trends Report) mà Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về mức tiêu thụ kim loại quý này.

Vàng được xem là một lựa chọn đầu tư hàng đầu của nhiều người Việt để đối phó với lạm phát cao, thị trường chứng khoán xuống dốc và sự mất giá của VND. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số vàng được người dân trong nước cất giữ hiện nay có thể từ 300 đến 500 tấn. Thông tin khác nói số này có thể lên đến 1.000 tấn.

Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng

Tại hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng" diễn ra tại Quảng Ninh ngày 9-8-2012 do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, Việt Nam thường được 2,6-2,7 điểm trong thang điểm 10 về chỉ số cảm nhận tham nhũng (dưới 3 điểm được coi là tham nhũng nghiêm trọng). Năm 2011, tuy có những tiến bộ nhất định với 2,9 điểm, xếp thứ 112/182 nước và vùng lãnh thổ, nhưng Việt Nam vẫn thuộc những nước có điểm số thấp và đứng ở vị trí nhóm cuối bảng xếp hạng.

Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế thì trong khu vực châu Á, tình hình tham nhũng của Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...

Đứng thứ 11 trong số các nước có số người chết vì tai nạn giao thông

Số liệu được đưa ra trong lễ công bố kết quả Khảo sát quốc gia Tai nạn thương tích được tổ chức tại Hà Nội ngày 4-5-2012 cho thấy Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước có số người chết vì tai nạn giao thông lớn nhất thế giới.

Mỗi năm ở Việt Nam có tới hơn 35.000 người chết do tai nạn (trung bình 100 người mỗi ngày), trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 15.000 người chết, chiếm tới 43%.

Theo kết quả khảo sát, số người tử vong do tai nạn thương tích còn cao hơn so với các bệnh lây nhiễm và không lây.

Trong tai nạn giao thông, 75% số vụ tử vong có liên quan đến xe máy; tỷ lệ tử vong khi đi bộ là xấp xỉ 15% trong khi đó đi xe đạp tỷ lệ tử vong chỉ chiếm chưa đến 5%.

Trong 10 nước có không khí ô nhiễm nhất thế giới

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh LT

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới, theo một nghiên cứu thường niên về môi trường do các trường đại học của Mỹ thực hiện và công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng 2-2012.

Bản báo cáo môi trường có tên gọi "The Environmental Performance Index" - gọi tắt là EPI 2012 - do hai trường đại học Yale và Columbia thực hiện, phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

EPI 2012 xếp hạng 132 quốc gia trên khắp thế giới dựa vào 22 nhân tố thuộc 10 hạng mục chính, trong đó có ô nhiễm nước và không khí, thay đổi khí hậu, đa dạng sinh học và quản lý rừng.

Tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất

Báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố hồi cuối tháng 7-2012 xác định Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tại Nam Phi.

Bà Elisabeth McLellan, Quản lý Chương trình Toàn cầu của WWF, nhấn mạnh: "Đây là thời điểm mà Việt Nam cần phải nhận ra rằng chính việc tiêu thụ bất hợp pháp sừng tê giác đã gây ra nạn săn bắn trộm tại châu Phi và rằng chính phủ cần phải phá bỏ các đường dây buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp. Việt Nam nên xem xét lại khung hình phạt đối với loại tội phạm này và ngay lập tức ngăn chặn thị trường tiêu thụ, bao gồm cả việc dỡ bỏ quảng cáo bán sừng tê giác trên internet".

Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một báo cáo gửi đến Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cho rằng Việt Nam không phải là địa bàn tiêu thụ chính sừng tê giác mà chỉ là nơi trung chuyển sang Trung Quốc. Đặc biệt, cơ quan này dẫn số liệu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cơ quan chuyên giám định mẫu vật, thì 70% mẫu vật sừng tê giác ở Việt Nam là giả.

Người Việt uống bia nhiều nhất Đông Nam Á

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu Thị trường Toàn cầu Euromonitor International (Anh) thì Việt Nam nằm trong Top đứng đầu các nước sử dụng chất kích thích như bia, rượu khi tham gia giao thông.

Đầu năm 2012, bộ phận điều tra nghiên cứu của công ty sản xuất bia danh tiếng Nhật Bản là Kirin Holdings ghi nhận Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới với sản lượng tiêu thụ tăng 15%/năm, chỉ sau các nước Nigeria (tăng 17,2%), Ấn Độ (tăng 17%), Brazil (tăng 16%).

Trước đó, Euromonitor International cũng đánh giá Việt Nam là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỉ lít trong năm 2011.

Theo dự báo của cơ quan lập quy hoạch, đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2-4,4 tỉ lít bia, bình quân 45-47 lít/người/năm. Mười năm sau đó, mỗi người Việt Nam sẽ uống bình quân... 60-70 lít bia/năm.

Vào những thời điểm kinh tế khó khăn, doanh số bán hàng của những hãng bia danh tiếng tại các thị trường trên thế giới đều giảm, riêng tại thị trường Việt Nam thì vẫn tăng vọt. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng bia của Việt Nam rất cao.

Theo Hoàng Hải/ DNSG cuối tuần