"Vậy đó các chú, tiền công mỗi lần không là bao nhưng chịu khó thì mỗi ngày cũng kiếm được 50 đến 60 nghìn đồng. Vất vả thật nhưng còn hơn là ở nhà không có công ăn việc làm và làm riết rồi cũng quen".

"Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/ Heo ré, người xung vung bao chuyện/ Trưa tan buổi chợ, đã lèo nhèo". Từ lâu câu ca trên đã lưu truyền tại chợ heo Bà Rén, nằm sát bên dòng sông Thu Bồn và Quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là chợ heo đầu mối lớn nhất ở Quảng Nam và là nơi có những người phụ nữ hành nghề "độc nhất vô nhị" là bồng thuê heo.

Bữa trưa vội vàng giữa chợ heo Bà Rén của các chị

Độc đáo nghề bồng heo

Những ngày đầu năm 2013, chúng tôi lại tìm về ngôi chợ độc đáo này. Cảnh tượng đập vào mắt tôi là không khí sôi động của kẻ bán, người mua. Ấn tượng nhất là những chị em bồng thuê heo. Họ chạy tới, chạy lui để sẵn sàng cho những chú heo từ rọ này sang rọ khác, chấp nhận ôm ông "Thiên Bồng Nguyên Soái" cho thiên hạ sờ nắn, lựa chọn để mua.

Theo những người dân sinh sống nơi đây, chợ hình thành từ khoảng năm 1970 và chẳng bao lâu nghề ôm "Thiên Bồng Nguyên Soái" cũng xuất hiện theo do nhu cầu mỗi lần cân heo giống để bán cho khách hàng, chủ heo cần chuyển heo con từ rọ này sang rọ khác để người mua đem về. Thậm chí có khách hàng còn yêu cầu bắt heo ra khỏi rọ để họ ngắm nghía, tận mắt thấy trước khi mua. Đồng thời, bán xong còn phải khiêng heo cho khách hàng cột lên xe hay khuân gánh về nhà. Nếu đông khách thì một lái heo không thể xoay xở được. Chính vì vậy thương lái phải  thuê người bồng heo. Vậy là từ nhu cầu nên nơi đây đã dần dần hình thành đội ngũ bồng heo "chuyên nghiệp". Để quên đi những nỗi nhọc nhằn, đôi lúc họ gọi hóm hỉnh cái nghề của mình là bông ông "Thiên Bồng Nguyên Soái" hay ôm "Trư Bát Giới"!

Tại chợ này chúng tôi làm quen với chị Nguyễn Thị Thảo, 48 tuổi, quê ở Quế Sơn. Chị cho biết: "Làm cái nghề này, tui phải dậy từ 4h sáng, cơm nước xong là xuất phát ngay để có mặt tại đây lúc 6h, đó là thời điểm bước vào phiên chợ. Cái nghề có phần vất vả là đi sớm về tối, không ít nỗi nhọc nhằn, nhưng cũng có đồng thu nhập lo cho gia đình".

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi khi có khách, chị Thảo cùng "đồng nghiệp" sẽ được thương lái thuê bồng heo. Thông thường khi khách hàng đã ưng ý và thống nhất xong giá cả thì các chị được phân công bồng heo ra khỏi sọt đặt lên bàn cân, cân trọng lượng để chủ heo tính tiền. Điều đáng ngạc nhiên là nghề bồng "Thiên Bồng Nguyên Soái" giá cả quá rẻ mạt.

Trong một lần quan sát, chúng tôi thấy chị Thảo bồng đến 12 con heo, sau khi cân xong chủ heo đưa cho chị chỉ có 6.000 đồng, nghĩa là tiền công chỉ có 500 đồng/con. Thấy chúng tôi quá ngạc nhiên, chị giải thích: "Vậy đó các chú, tiền công mỗi lần không là bao nhưng chịu khó thì mỗi ngày cũng kiếm được 50 đến 60 nghìn đồng. Vất vả thật nhưng còn hơn là ở nhà không có công ăn việc làm và làm riết rồi cũng quen".

Cụ Lưu Thị Liên tuổi cao cũng cố gắng giữ  nghề

Những thân cò mưu sinh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở đây có khoảng 20 chị em hành nghề ôm "Thiên Bồng Nguyên Soái", trong số họ, nhỏ thì cũng ngoài 20, lớn thì cũng dưới 50 tuổi. Riêng có cụ Lưu Thị Liên đã trên 75 tuổi. Họ đến từ các vùng nông thôn lân cận, không có nghề gì ngoài làm nông, đa số có hoàn cảnh khó khăn. Để mưu sinh họ chấp nhận đội mưa, đội nắng về đây hành nghề. Điều đáng trân trọng, qua bao nhiêu năm hành nghề độc đáo này các chị em ở đây chưa bao giờ tranh giành, mạt sát nhau, trái lại họ gắn kết yêu thương đùm bọc, phân chia nhau, để ai ai cũng có miếng cơm và nương tựa vào nhau để sống.

Ông Phạm Cư - Thành viên  Ban Quản lý chợ heo này cho biết: "Nơi đây mỗi ngày có đến hàng trăm con heo giống được tập trung về đây. Các tiểu thương tứ xứ đến mua để đem đi phân phối các nơi. Có thể nói đây là một trong những chợ heo giống lớn nhất của cả nước. Những chị em hành nghề bồng heo luôn đoàn kết với nhau".

Các phu heo đang đứng đợi đến phiên bồng heo của mình

Chị Nguyễn Thị Lâm (41 tuổi) tâm sự: "Tôi theo mẹ chồng hành nghề này và đã trở nên quen thuộc. Chị em ở đây luôn đùm bọc, che chở cho nhau". Còn cụ Lưu Thị Liên (75 tuổi) cho biết: "Bao nhiêu năm hành nghề ni tui biết, chị em đa số có hoàn cảnh khó khăn nên biết nương tựa vào nhau để sống. Như tui chẳng hạn, các chị thấy tui già rồi nên luôn nhường những con heo nhỏ nhẹ nhất và phụ đỡ giúp tôi".

Chị Nguyễn Thị Bê (48 tuổi) chia sẻ: "Tên gọi là nghề bồng ông "Thiên Bồng Nguyên Soái" nghe có vẻ danh giá nhưng các chú thấy đó, mùa mưa chợ lầy lội nước mưa, phân heo lềnh phềnh. Trời nắng mồ hôi người nhễ nhại cùng với mùi khét của heo và bao nhiêu thứ hôi hám cũng phải ráng chịu. Đến bữa trưa cũng "xử" tại chỗ, vội vội, vàng vàng để mà còn hành nghề. Nhưng được cái chị em chúng tôi rất thương yêu nhau, cùng nhường cơm sẻ áo cho nhau để có cái mà nuôi sống gia đình".

Tuy vất vả nhưng nghề này đã giúp nhiều gia đình  trụ vững, trẻ con được đi học. Như hoàn cảnh của chị Bê, chồng chị mất đã 10 năm, nhờ hành nghề này mà nuôi được 5 đứa con. Hay như chị Thảo, nhờ nghề bồng heo mà gần 20 năm nay chị có thêm thu nhập để nuôi người cha già yếu cùng 2 đứa con ăn học. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã nuôi được hai con vào đại học... Chứng kiến cảnh gian nan, vất vả của các chị, các bác, chúng tôi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng cũng thật trân trọng sự cần cù trong lao động và tình thương yêu đùm bọc của những người hành nghề bồng heo nơi đây.

Chiều xuống chợ tan, có người về chỗ trọ, cũng có người cọc cạch chiếc xe đạp về với mái ấm của mình, để rồi ngày hôm sau họ lại có mặt tại đây tiếp tục mưu sinh với cái nghề độc đáo của mình. Chia tay họ chúng tôi càng trân trọng khi hiểu rằng đồng tiền họ làm ra từ chính bàn tay và mồ hôi cũng như sự tự tin khi họ nói rằng, đây chính là những người hành nghề bồng ông "Thiên Bồng Nguyên Soái". Nghề nào cũng đáng được  tôn vinh.

Theo Tấn Thành/ Đại Đoàn Kết. Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại