Bức tranh thời sự thế giới năm 2012 lắm sắc màu tương phản. Nếu cuộc khủng hoảng Syria khởi phát từ năm 2011 và kéo dài suốt năm 2012 làm tổn hại sinh mạng hàng ngàn người là những mảng màu tối thì tiến trình dân chủ hóa nhanh chóng của Myanmar là ánh sáng bừng lên ở chân trời Đông Nam Á, đẩy lui dần bóng tối của bạo lực và tù đày. Năm 2012 còn là năm của nhiều biến chuyển quốc tế dồn dập ở Biển Đông với những bất đồng chưa có triển vọng giải quyết giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng.

Cuộc khủng hoảng Syria trải dài trọn năm 2012

Về Syria, tháng 12-2011, Liên đoàn Ả Rập công bố nghị quyết lên án Tổng thống Bashar al-Assad về việc sử dụng các biện pháp mạnh để đối phó với phe chống đối. Cuối tháng 1, đầu tháng 2-2012, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thảo luận và đưa ra một dự thảo nghị quyết cụ thể hóa nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập kêu gọi thực hiện bước chuyển tiếp sang một hệ thống chính trị dân chủ tại Syria, song Nga và Trung Quốc đã phủ quyết văn kiện này.

Trong lúc Nga chống lại mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào Syria thì các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đã hoàn tất kế hoạch tham chiến tại nước này. Giữa năm 2012, cuộc khủng hoảng vượt ra khỏi biên giới Syria qua việc một chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị không quân Syria bắn hạ sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Erhac thuộc tỉnh Malatya.

Người dân Syria biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad

Tiếp đó là những cuộc đấu pháo qua lại giữa hai bên và những ngày đầu tháng 10-2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động nhiều xe tăng và hệ thống phòng thủ tên lửa đến biên giới hai nước. Nội bộ chính quyền Assad đang có nhiều vấn đề khó giải quyết, nhiều sĩ quan, tướng lãnh đào thoát sang nước khác. Tính đến trung tuần tháng 12-2012, đã có hơn 100 nước trên thế giới chính thức công nhận liên minh đối lập tại Syria là đại diện hợp pháp của người dân nước này.

Tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar

Trái với bức tranh ảm đạm tại Syria và nhiều nơi khác trên thế giới là những chuyển biến tốt đẹp từ Myanmar. Qua những gì diễn ra trên đất nước này, người ta tin rằng Tổng thống Myanmar Thein Sein thật sự muốn đưa nước này ra khỏi bất ổn và trì trệ.

Từ tháng 2-2012, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ dần các biện pháp áp đặt lên chính quyền Thein Sein, mở ra cho Myanmar cơ hội tái hòa nhập vào cộng đồng kinh tế thế giới. Myanmar cũng nỗ lực sửa đổi, cải tiến các bộ luật kinh tế hiện hành để mời gọi các nhà đầu tư trên thế giới, đồng thời tiến hành nhiều đợt thả tù chính trị và đàm phán với nhóm quân nổi dậy Karen.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung diễn ra vào ngày 1-4-2012, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) dưới sự lãnh đạo của nữ chính khách đối lập Aung San Suu Kyi đã có được 43 ghế trong tổng số 644 ghế, mở đầu cho sự thâm nhập sâu hơn của tổ chức chính trị này trong đời sống xã hội Myanmar. Chuyến thăm chính thức Myanmar vào ngày 19-11-2012 của Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Myanmar với thế giới bên ngoài.

Biển Đông và biển Hoa Đông nóng hơn bao giờ hết

Năm 2012 đánh dấu những xung đột giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiêu biểu là việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và sự căng thẳng trên Biển Đông với Philippines và Việt Nam.

Sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định chi tiền mua lại ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, điều các loại tàu tiếp cận vùng biển này và sau đó đệ trình LHQ hồ sơ đăng ký chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa vào ngày 24-7-2012 để quản lý khu vực bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines khiến cho tình hình khu vực này trở nên căng thẳng. Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác phản đối mạnh mẽ hành động này.

Trung Quốc còn có những hành động ngang ngược như mời thầu chín lô dầu khí trên biển Việt Nam, phản đối Ấn Độ khai thác dầu khí trên Biển Đông... Những ngày gần đây lại rộ lên sự kiện hộ chiếu có in "đường lưỡi bò" chiếm phần lớn diện tích trên Biển Đông do nhà cầm quyền Bắc Kinh cấp cho công dân của họ. Hành động này không những vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước bị vi phạm quyền khai thác hợp pháp tài nguyên trên Biển Đông mà còn bị dư luận quốc tế phê phán. Về phần mình, Mỹ công khai thừa nhận sự củng cố sức mạnh quân sự tại vùng biển Đông Nam Á qua việc đưa siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington đến gần khu bãi cạn Scarborough, tái lập căn cứ hải quân tại vịnh Subic của Philippines, phối hợp tập trận với hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản...

Ngày 6-12-2012, sau khi nhận được lời cảnh báo không được tiếp tục thăm dò dầu khí tại Biển Đông do Bắc Kinh đưa ra, Ấn Độ công bố quan điểm ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải và khai thác hợp pháp tài nguyên tại Biển Đông. Đô đốc D.K. Joshi, tư lệnh hải quân Ấn Độ, tuyên bố sẵn sàng đưa chiến hạm đến Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Ấn Độ tại đây. Tất cả những động thái này báo hiệu một năm 2013 chưa thể có sự hạ nhiệt trong các khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước khác.

Sau "mùa Xuân Ả Rập", Bắc Phi và Trung Đông còn nhiều bất ổn

Phiên họp Đại hội đồng LHQ nâng Palestine lên vị thế "nhà nước quan sát viên"

Sau thắng lợi của "mùa Xuân Ả Rập" với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây, các nước Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn. Các cuộc biểu tình chống Mỹ nổ ra, nhất là sau khi một bộ phim được coi là báng bổ đạo Hồi được một công dân Mỹ phổ biến rộng rãi. Riêng tại Ai Cập, bản Hiến pháp mới do tân Tổng thống Mohamed Mursi đề xuất tuy gặp phản ứng quyết liệt của công chúng, vẫn được đưa ra để trưng cầu dân ý.

Tại Trung Đông, những ngày trung tuần tháng 11-2012, cuộc xung đột đầy bạo lực và chết chóc đã nổ ra giữa Israel và tổ chức Hamas. Ngày 22-11, do sức ép của Mỹ và Liên đoàn Ả Rập, với sự trung gian của Ai Cập, hai bên xung đột thỏa thuận ngưng bắn sau khi mức thương vong đã lên đến hàng trăm. Ngày 29-11-2012, một tin vui lan tỏa trong cộng đồng người Palestine khi Đại hội đồng LHQ, bằng đa số phiếu 138/193, công nhận Palestine là "nhà nước quan sát viên" của tổ chức quốc tế này, với những quyền lợi tuy chưa bằng một nước hội viên chính thức nhưng cũng hơn trước rất nhiều.

Tình trạng thất nghiệp tại khu vực eurozone lên đến mức kỷ lục

Năm 2012, eurozone (khu vực đồng euro) vẫn không hồi phục nổi sau những cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài từ năm trước. Một trong những yếu tố tác động mạnh lên nền kinh tế eurozone là giá lương thực, thực phẩm tăng cao, có lúc lên đến mức kỷ lục so với nhiều năm trước đây. Nhiều nước eurozone phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, khiến cho đạo quân thất nghiệp ngày càng đông. Hy Lạp và Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (lần lượt 25,1% và 25,8%). Năm 2012, tại châu Âu đã diễn ra kỳ Thế vận hội (Olympic London) tốn kém nhất trong lịch sử, với kinh phí ước tính 9,3 tỉ bảng Anh.

Năm của những cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới

Năm 2012, nhiều cuộc bầu cử quan trọng đã diễn ra tại Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sự tái đắc cử của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama trước ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử ngày 6-11-2012 phần nào nói lên sự tin tưởng của đa số người dân Mỹ với chính sách của chính quyền thời gian qua. Tuy nhiên, ông Obama sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức, với một tình hình thuế khóa đi xuống, sự phân hóa trong cơ quan lập pháp có thể ngáng trở các hoạt động của chính quyền do ông lãnh đạo. Ông Obama đã tiếp xúc, thảo luận với các đại diện của đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện Mỹ để tìm ra những đối sách có được sự đồng thuận cao nhất.

Tại Nga, trong cuộc bầu cử ngày 4-3-2012, đương kim thủ tướng Nga Wladimir Putin đã đắc cử tổng thống trong làn sóng biểu tình của các nhóm đối lập để phản đối điều mà họ gọi là "gian lận bầu cử". Dù sao thì sự chọn lựa ứng viên Putin của phần đông cử tri Nga cũng dự báo một tương lai chính trị không có những thay đổi lớn, ít nhất là trong thời gian tới. Tại Pháp, thắng lợi của ứng viên thuộc đảng Xã hội Pháp François Hollande trước đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy nói lên sự mất tin tưởng của người dân Pháp vào các chính sách hiện hành.

Họ hy vọng đảng Xã hội lên cầm quyền lần đầu sau 17 năm sẽ cải thiện nền kinh tế vốn đang trì trệ. Tại Bắc Kinh, ngày 15-11-2012, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Theo nhận định của nhà bình luận Cao Trí Khai ở Bắc Kinh, tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc là một người rất thận trọng, không dễ thể hiện cảm xúc, nhất là trước công chúng. Những gì đang diễn ra trên chính trường Trung Quốc và tại Biển Đông cho thấy chính sách của nước này hiện vẫn không có gì thay đổi.

Hai cuộc bầu cử quan trọng khác tại châu Á đã diễn ra vào tháng 12-2012. Ngày 16-12, trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã chiến thắng áp đảo, đủ để đứng ra thành lập tân chính phủ và ông Abe sẽ trở lại ghế Thủ tướng năm năm sau khi ông đột ngột từ chức vào tháng 9-2007. Ông Abe là người trung thành với giải pháp phát triển điện năng bằng năng lượng hạt nhân và điều này có thể tiếp tục tạo sự phân hóa trong đời sống chính trị Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, kết quả bầu cử ngày 19-12 mang lại chiến thắng cho nữứng viên Park Geun-Hye thuộc đảng Thế giới Mới (con gái của cựu tổng thống Pak Chung Hy) và bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Tân tổng thống sẽ phải giải quyết những vấn đề trong nước như sự quá tải về giáo dục, nhu cầu nhà ở của các công dân trẻ và kế hoạch cung ứng việc làm cho những người lao động trung niên. Về mặt đối ngoại, tân Tổng thống Hàn Quốc đã nhận được lời cam kết tăng cường mối quan hệ song phương của Tổng thống Mỹ Obama và ông Abe, người sẽ đảm nhận cương vị Thủ tướng Nhật.

Theo Lê Nguyễn/ DNSG cuối tuần